MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chính phủ, Bộ Y tế đang có những tháo gỡ khó khăn trong mua sắm, đầu thầu cho các cơ sở y tế. Ảnh: Thùy Trang

Bỏ trần giá thuốc: Cần hướng dẫn để giải tỏa áp lực sợ sai

THÙY TRANG LDO | 30/03/2023 08:35

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Đà Nẵng cho rằng, sau những nghị định, nghị quyết tháo gỡ khó khăn về mua sắm, đấu thầu trang thiết bị, vật tư y tế và bỏ trần giá thuốc thì ngành Y tế cần có thông tư hướng dẫn chi tiết, cụ thể.

Giảm thủ tục nhưng tăng trách nhiệm cho cơ sở y tế công

Bà Trần Nguyễn Thu Thảo - Phó Giám đốc CDC Đà Nẵng cho rằng, việc Bộ Y tế bỏ trần giá thuốc giúp các cơ sở y tế công linh hoạt trong việc xây dựng giá dự toán, không bị gò bó bởi những văn bản cứng như trước đây khi đấu thầu, mua thuốc. Tuy nhiên, nếu bỏ trần giá thuốc thì cần có những nguồn tham khảo chính thống để xây dựng được giá thuốc đúng, tránh việc tăng áp lực, trách nhiệm cho chính các cơ sở y tế.

Hiện nay, sau những vụ việc sai phạm về mua máy xét nghiệm, kít test xét nghiệm COVID-19 khiến không ít cơ sở y tế, trong đó có các CDC lo ngại làm sai quy định.

Riêng CDC Đà Nẵng, các phương án mua sắm vật tư, thuốc, vaccine được đưa ra bàn thảo rất kỹ. Trong hướng dẫn của Bộ Tài chính về mua sắm thường xuyên, cơ sở y tế thực hiện ít nhất 1 trong những cách sau để có giá tốt nhất là lấy 3 báo giá, tham khảo kết quả đấu thầu các đơn vị khác hoặc thực hiện thẩm định giá.

“Mặc dù nói là chỉ cần 1 báo giá nhưng chúng tôi luôn làm cả 3. Đặc biệt là với gói thầu thuốc và vaccine có giá trị cao. Chúng tôi không dám làm một bước rồi mua ngay để tránh trường hợp sau này bị hỏi ngược lại tại sao cơ sở không làm mọi phương án để có giá tốt nhất” – bà Thảo cho hay.

Bà Thảo cho rằng, bỏ giá trần thuốc là tốt nhưng với những loại thuốc, vaccine đặc biệt thì nhà nước nên có sự kiểm soát giá chung với mức dao động cho phép để các đơn vị có cơ sở mua sắm mà không phải lo lắng nhiều như hiện nay.

Quản lý giá thuốc chỉ mới ở cơ sở công, gây cạnh tranh không công bằng

Một vấn đề nữa trong quản lý thuốc hiện nay là các bộ ngành chỉ quản lý ở cơ sở y tế công lập. Còn ở cơ sở y tế tư nhân, bệnh viện tư nhân thì lại theo luật giá.

“Việc quản lý giá thuốc sẽ tốt hơn cho người dân khi cả công - tư đều thực hiện như nhau. Bởi thực tế giá thuốc hiện nay ở 2 hệ thống công, tư đang có sự khác nhau, tạo nên sự canh tranh không công bằng và người dân chưa được hưởng lợi hoàn toàn” – bà Thảo phân tích.

 Nhà nước chỉ mới quản lý giá thuốc ở khu vực y tế công. Ảnh minh họa: Nguyên Thi

Nếu ở cơ sở tư nhân, họ luôn có được giá tốt nhất khi mua thuốc ở các doanh nghiệp và thực hiện trên nguyên tắc “thuận mua vừa bán”, trong khi cơ sở y tế công để mua được thuốc rất khó, thậm chí doanh nghiệp không mặn mà với việc đấu thầu giá thuốc do thủ tục rất nhiều.

Còn khi bán ra, cơ sở y tế tư nhân như nhà thuốc, bệnh viện tư… chỉ cần công bố giá, bán đúng theo giá đó là được. Nhưng cùng một viên thuốc, khu vực tư nhân có thể bán với gấp rưỡi, gấp 2 lần so với thị trường và khu vực công – nơi phải bán giá thuốc bằng giá mua, không được tính thêm chi phí kho, con người quản lý… Ngay cả quầy thuốc ngoại trú của cơ sở y tế công lập khi bán cho người dân cũng chỉ được cộng thêm phần trăm thặng dư (theo quy định) nhưng cũng không bao nhiêu.

“Điều này đưa đến thực tế có những khoản thời gian CDC sẽ đứt hàng vaccine nhưng với các cơ sở dịch vụ thì hiếm khi nào gặp trường hợp này vì họ mua bán thuận lợi. Cơ sở y tế công và tư khác nhau ở chất lượng dịch vụ, chăm sóc, môi trường y tế chứ không khác về chất lượng thuốc nhưng lại để có 2 giá thuốc là điều cần xem lại. Bệnh nhân thì không phải ai cũng so sánh giá và họ chấp nhận trả nhiều tiền hơn vì đã chọn tư nhân. Như vậy, nếu quản lý được giá thuốc ở cả cơ sở y tế công và tư thì người dân sẽ được hưởng lợi nhiều hơn” – bà Thảo chia sẻ. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn