MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bộ trưởng Bộ Nội vụ: 39.000 viên chức nghỉ việc có 25% nhân sự ngành y tế

Nhóm PV LDO | 29/05/2023 18:10

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, trong số hơn 39.000 viên chức nghỉ việc thời gian qua, có tới 25% nhân sự ngành y tế.

Ngành y là ngành đặc biệt, đãi ngộ cũng phải có chính sách đặc biệt

Hàng loạt bất cập liên quan đến tổ chức bộ máy và chính sách tiền lương đối với nhân viên y tế đã được các đại biểu Quốc hội đề cập trong ngày 29.5, khi thảo luận về Báo cáo huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Giải trình rõ hơn về việc này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, nhiều khó khăn, bất cập về tổ chức bộ máy, nhân sự ngành y cũng như cơ chế, chính sách cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế đã được nhận diện trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát. 

Đề cập giải pháp giải quyết tổng thể những vấn đề trên, trưởng ngành Nội vụ đề xuất, Bộ Y tế tổng rà soát, tham mưu cho Chính phủ Đề án về nguồn nhân lực y tế khu vực công đến năm 2030 một cách căn cơ, chiến lược trong tình hình mới.

"Điều này rất quan trọng vì trong số hơn 39.000 viên chức nghỉ việc thời gian qua, có tới 25% nhân sự ngành y tế", Bộ trưởng Nội vụ nêu thực tế.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: Quốc hội 

Theo bà Trà, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với các bộ hoàn thiện cơ chế chính sách về lương, phụ cấp ưu đãi phụ cấp đặc thù cho nhân viên y tế nói chung, y tế dự phòng và cơ sở nói riêng, đặt trong lộ trình cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27 của Trung ương.

"Bộ Nội vụ đang tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tính toán chính sách tiền lương, phụ cấp với nhân viên y tế, đảm bảo đúng quan điểm ngành y là ngành đặc biệt thì đãi ngộ cũng phải có chính sách đặc biệt", theo lời Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà.

Bên cạnh đó, theo bà, cần nghiên cứu sửa đổi chính sách tuyển dụng, đào tạo cũng như sửa quy định liên quan cơ chế tự chủ, xã hội hóa, cơ chế đặt hàng cho đơn vị sự nghiệp.

Nhân viên y tế nghỉ việc gia tăng

Thảo luận tại hội trường Quốc hội chiều 29.5, đại biểu Phạm Thị Kiều (đoàn Đắk Nông) cho rằng, tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ với nhân viên y tế nói chung, nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng nói riêng được quan tâm và đã bước đầu triển khai tại Nghị quyết số 69 của Quốc hội khóa XV.

Từ ngày 1.7, Nhà nước thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có nhân viên y tế nói chung lên mức 1,8 triệu đồng/tháng. Trước đó, từ đầu năm 2023 đã điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở.

Vì vậy, đại biểu đề nghị trong dự thảo Nghị quyết cần thể hiện sự ghi nhận những nỗ lực, kết quả đã làm được và chỉ ra cụ thể những bất cập trong chế độ đãi ngộ với nhân viên y tế.

Qua nghiên cứu báo cáo giám sát của Quốc hội, đại biểu Phạm Đình Thanh (đoàn Kon Tum) cho rằng, hoạt động y tế cơ sở, y tế dự phòng còn gặp nhiều khó khăn, yếu kém. Cơ chế chính sách còn bộc lộ nhiều vấn đề bất cập cần phải được nghiêm túc xem xét và sớm có giải pháp khắc phục.

Chính sách đối với y tế cơ sở, y tế dự phòng hiện nay còn chưa phù hợp, số lượng nhân lực y tế cơ sở còn thấp. Việc tuyển dụng, thu hút bác sĩ về làm việc tại các trạm y tế gặp rất nhiều khó khăn, nhất là vùng miền núi, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn.

"Nguồn nhân lực chất lượng chuyên sâu tại y tế cơ sở, y tế dự phòng thiếu. Số lượng bác sĩ được đào tạo chính quy làm việc tại y tế cơ sở rất thấp, phần lớn đào tạo theo hình thức chuyên tu, liên thông… Tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc, thôi việc có chiều hướng gia tăng", đại biểu Phạm Đình Thanh nhận định.

Đại biểu đề nghị, Chính phủ sớm chỉ đạo rà soát trình Quốc hội ban hành các chính sách pháp luật để bổ sung hoàn thiện quy định liên quan đến lĩnh vực y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn