MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vaccine Quinvaxem sắp bị ngưng sử dụng tại Việt Nam.Ảnh: P.V

Bộ Y tế chưa chốt loại vaccine thay thế Quinvaxem

THÙY LINH LDO | 28/03/2018 06:22
Ngày 27.3, Bộ Y tế đã chính thức đưa ra thông báo về việc dừng tiêm loại vaccine “tai tiếng” này. Vaccine phối hợp 5 trong 1 phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib Quinvaxem mặc dù có những tác dụng nhất định trong công tác phòng, chống dịch bệnh nhưng trước nay chưa tạo được lòng tin trong nhân dân.

Hết tháng 5.2018 sẽ ngừng tiêm Quinvaxem

Theo thông tin từ Bộ Y tế, đối với loại vaccine phối hợp 5 trong 1 phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib, suốt hơn 7 năm qua, Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) đã sử dụng vaccine Quinvaxem để tiêm cho trẻ dưới 1 tuổi.

Hiện nay, nhà sản xuất Berna Biotech đã ngừng sản xuất vaccine Quinvaxem, số vaccine Quinvaxem còn lại dự kiến sẽ sử dụng đến hết tháng 5.2018 trên quy mô toàn quốc. Vì vậy, Bộ Y tế đã có kế hoạch chuyển đổi sử dụng vaccine Quinvaxem bằng loại vaccine phối hợp 5 trong 1 tương tự về thành phần và hiệu quả phòng bệnh. Theo kế hoạch, loại vaccine phối hợp 5 trong 1 này sẽ được đưa vào sử dụng trên quy mô nhỏ tại 4 tỉnh, sau đó sẽ đưa vào sử dụng rộng rãi trên quy mô toàn quốc vào cuối quý II/2018.

Như vậy, vaccine Quinvaxem vẫn tiếp tục được sử dụng trong chương trình TCMR cùng với việc chuyển đổi sử dụng loại vaccine phối hợp 5 trong 1.

“Biến động” về tiêm chủng mở rộng quốc gia

Để tiếp tục duy trì thành tựu và kết quả công tác tiêm chủng mở rộng, năm 2018, Bộ Y tế có kế hoạch đưa một số vaccine mới vào chương trình TCMR.

Đầu tiên là vaccine phòng bệnh Sởi - Rubella, đây là loại vaccine do Việt Nam tự sản xuất.

Được sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản, Việt Nam đã sản xuất thành công vaccine Sởi - Rubella. Trong tháng 3.2018, vaccine Sởi - Rubella được đưa vào sử dụng trong chương trình TCMR, bước đầu triển khai tại 4 tỉnh, kết quả thu được cho thấy tính an toàn tương tự như vaccine Sởi - Rubella đã sử dụng như giai đoạn 2014 - 2016. Theo kế hoạch, từ tháng 4.2018, vaccine Sởi - Rubella (MRVAC) do Việt Nam sản xuất sẽ được sử dụng trên quy mô toàn quốc cho trẻ từ 18 tháng tuổi trong TCMR.

Để tiếp tục duy trì thành quả thanh toán bại liệt đạt được, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, cùng với tiếp tục cho trẻ 2, 3, 4 tháng tuổi uống 3 liều vaccine bại liệt bOPV (vaccine bại liệt 2 tuýp), Bộ Y tế sẽ đưa vaccine tiêm IPV cho trẻ 5 tháng tuổi vào chương trình TCMR từ tháng 8.2018.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Bộ Y tế quy định 10 bệnh truyền nhiễm bắt buộc tiêm vaccine phòng bệnh theo Chương trình tiêm chủng mở rộng áp dụng cho các trẻ từ sơ sinh đến 5 tuổi. Tất cả trẻ tiêm 10 vaccine này đều được miễn phí. 

Bộ Y tế chưa chốt loại vaccine thay thế Quinvaxem.

Chiều ngày 27.3, PGS-TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - cho biết: Quinvaxem đã được dùng 42 triệu liều từ năm 2010. Các nước đang Quinvaxem đều phải chuyển đổi sang loại vaccine khác, cũng là 5 trong 1 và cũng giống về thành phần: Bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và Hyb, có thành phần hiệu quả và hiệu lực như Quinvaxem. Giá thành cũng tương đương. Trước đây, chuyện thay vaccine là chuyện bình thường. Khi nhập vaccine mới về sẽ làm trên quy mô nhỏ ở 4 tỉnh để rút kinh nghiệm. Tháng 6.2018 sẽ triển khai trên phạm vi quy mô cả nước. Hiện tại Bộ Y tế chưa chốt thay thế Quinvaxem bằng loại vaccine nào. T.L

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn