MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xét nghiệm COVID-19. Ảnh: Bộ Y tế

Bộ Y tế đang giải trình tự gene các ca bệnh COVID-19 về từ Ấn Độ

Thùy Linh LDO | 26/04/2021 18:37

Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đã tổ chức 6 chuyến bay đưa gần 1.000 người Việt về nước. Trong số đó, đã ghi nhận các ca mắc COVID-19. Theo các chuyên gia, công tác phòng chống dịch COVID-19, phòng chống biến thể mới "đột biến kép" từ Ấn Độ phải siết chặt hơn bao giờ hết.

Chỉ lọt một ca nhiễm ra cộng đồng sẽ rất nguy hiểm

Theo công bố các ca bệnh COVID-19 của Bộ Y tế hàng ngày, đã ghi nhận nhiều ca mắc COVID-19 nhập cảnh từ Ấn Độ. Đơn cử, ca bệnh 2818 (BN2818) ghi nhận tại Thành phố Hồ Chí Minh: Bệnh nhân nam, 34 tuổi, quốc tịch Ấn Độ, là chuyên gia.

Bệnh nhân từ Ấn Độ quá cảnh Qatar, sau đó nhập cảnh tại Sân bay Tân Sơn Nhất ngày 18.4.2021 trên chuyến bay QR970 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả xét nghiệm ngày 19.4.2021 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi.

Ngày 24.4, Bộ Y tế công bố ca bệnh ngày 2831 (BN2831) ghi nhận tại tỉnh Yên Bái là bệnh nhân nam, 49 tuổi, quốc tịch Ấn Độ, là chuyên gia.

Bệnh nhân trên từ Ấn Độ quá cảnh Dubai, sau đó nhập cảnh Sân bay Nội Bài ngày 18.4.2021 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Yên Bái. Kết quả xét nghiệm lần 3 ngày 23.4.2021 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.

Theo các chuyên gia, biến thể virus B.1.167 đột biến kép đang gây bùng phát dịch rất mạnh ở Ấn Độ, vì vậy công tác phòng chống dịch COVID-19 từ đường nhập cảnh càng phải siết chặt một cách mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

"Nếu chỉ cần sót lọt một ca nhiễm bệnh ra cộng đồng, dịch bệnh sẽ bùng phát, lây lan rất nhanh" - một chuyên gia y tế nói.

Giải trình tự gene để đánh giá, có các biện pháp kiểm soát, kiểm dịch phù hợp

Trao đổi với Lao Động, PGS. TS Trần Đắc Phu- nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng cho biết: "Biến chủng kép nếu không lây nhiễm ra cộng đồng thì sẽ không đáng lo ngại. Tuy nhiên, biến chủng kép từ Ấn Độ lại có liên quan đến chủng biến thể ở Anh, vì vậy tốc độ lây lan của virus cũng rất nhanh. Chúng ta phải siết chặt hơn nữa công tác quản lý người nhập cảnh và an toàn tại khu cách ly".

Hiện nay, để biết được các ca bệnh COVID-19 có nhiễm biến thể đột biến kép từ Ấn Độ hay không, ngành y tế cần phải giải trình tự gene các ca nhiễm bệnh, giống như việc chúng ta đã giải trình tự gene phát hiện ra những người mắc COVID-19 nhập cảnh từ Campuchia nhiễm biến thể virus ở Anh và Nam Phi. Việc tiến hành giải trình tự gene của những người nhập cảnh vào Việt Nam gần đây để đánh giá, có các biện pháp kiểm soát dịch phù hợp.

Theo GS.TS Đặng Đức Anh - Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, hiện nay, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đang tiến hành giải trình tự gene một số ca mắc bệnh COVID-19 nhập cảnh về từ Ấn Độ. "Dự kiến trong vài ngày nữa sẽ có kết quả"- GS Đức Anh nói.

Trước đó, trả lời VTV ngày 25.4, Tham tán Đỗ Thanh Hải của Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ cho biết cộng đồng người Việt tại Ấn Độ có hơn 1.000 người sống rải rác ở nhiều bang và thành phố. Người Việt tại đây đối mặt với nhiều khó khăn như nguy cơ mắc bệnh tăng rất cao, nếu mắc bệnh thì nguy cơ bị bệnh nặng hoặc tử vong rất cao do hệ thống y tế của Ấn Độ bị quá tải. Điều kiện sống, đi lại, mua các nhu yếu phẩm trong dịch cũng khó khăn, bên cạnh những sức ép về tâm lý mà người Việt phải đối mặt.

Ông Hải cho biết, Đại sứ quán đã tổ chức 6 chuyến bay đưa gần 1.000 người Việt về nước và hiện chỉ còn khoảng 100 người ở lại. Đại sứ cũng duy trì liên hệ với bà con và sẵn sàng tư vấn, can thiệp nếu cần, hỗ trợ về mặt giấy tờ, cung cấp nhu yếu phẩm, thuốc men hoặc can thiệp để công dân Việt Nam được chữa trị.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn