MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cán bộ y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân. Ảnh: Hải Nguyễn

Bộ Y tế đề nghị các địa phương đề xuất bao nhiêu vaccine nhận bấy nhiêu

Thùy Linh LDO | 15/04/2023 12:40

Theo đại diện Bộ Y tế, việc mua và xin tài trợ vaccine COVID-19 cũng như các vaccine của tiêm chủng mở rộng, đơn vị chuyên môn của Bộ Y tế sẽ căn cứ vào nhu cầu đề xuất của địa phương gửi về. 

Theo đại diện Bộ Y tế, thời gian gần đây, ca mắc mới COVID-19 có dấu hiệu tăng, tỉ lệ chuyển nặng tăng hơn so tháng trước 5 ca, nhưng không có tử vong.

"Dù vậy, chúng ta vẫn cần cảnh giác, không lơ là để có biện pháp đáp ứng kịp thời với COVID-19, cùng đó tập trung phòng chống các dịch bệnh sốt xuất huyết và các dịch bệnh khác như cúm, tay chân miệng"- Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết. 

Khi dịch COVID-19 có dấu hiệu gia tăng trở lại, vấn đề vaccine phòng bệnh được các địa phương và người dân quan tâm.

Theo đại diện Bộ Y tế, việc mua và xin tài trợ vaccine COVID-19 cũng như các vaccine của tiêm chủng mở rộng, đơn vị chuyên môn của Bộ Y tế sẽ căn cứ vào nhu cầu đề xuất của địa phương gửi về. Thế nhưng có những thời điểm đơn vị chuyên môn đưa vaccine COVID-19 về tận cơ sở mà vẫn không có người nhận.

Do đó, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị các địa phương đề xuất bao nhiêu vaccine thì nhận đúng như thế. Cùng đó, một số tỉnh, thành tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 12- dưới 18 tuổi, trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi cần cố gắng để đạt tỉ lệ đề ra.

Về các đề xuất, kiến nghị của các đơn vị liên quan đến vấn đề tự chủ, mua sắm, đấu thầu, tiêm chủng vaccine... Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương giao các đơn vị liên quan của Bộ Y tế tiếp thu, sớm hướng dẫn các đơn vị, địa phương để đảm bảo hậu cần, vật tư cho công tác tiêm chủng, phòng chống dịch.

"Trong quá trình triển khai thực hiện các nội dung liên quan đến mua sắm, đầu thầu theo phân cấp, đề nghị các địa phương sớm có báo cáo về Bộ Y tế để Bộ sớm tháo gỡ, trao đổi lại theo thẩm quyền. Với những nội dung vượt hay ngoài thẩm quyền, chúng tôi sẽ báo cáo, xin ý kiến cấp có thẩm quyền, các bộ, ngành, đơn vị liên quan"- Thứ trưởng Bộ Y tế bày tỏ.

Liên quan đến công tác phòng chống dịch năm 2023, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm dịch y tế, theo dõi, giám sát tại cửa khẩu, tại cộng đồng và trong các cơ sở y tế để phát hiện sớm, xử lý kịp thời, triệt để các ổ dịch; đảm bảo công tác thu dung, điều trị để hạn chế tối đa các trường hợp chuyển nặng, tử vong.

Phối hợp với các ngành liên quan thực hiện tốt các giải pháp đảm bảo thuốc, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm.

Chỉ đạo các đơn vị liên quan trên địa bàn chủ động triển khai hoạt động thông tin, truyền thông về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm và tiêm chủng vaccine để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân trong phòng, chống dịch.

Đại diện Bộ Y tế cũng đánh giá cao mô hình, cách làm của TPHCM trong công tác phòng chống dịch bệnh, trong đó có dịch sốt xuất huyết thông qua việc giao chỉ tiêu về từng quận huyện để tránh tình trạng một mình ngành y tế triển khai phòng chống dịch, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị các địa phương cần nghiên cứu các cách làm hay để triển khai trong công tác phòng chống dịch trên địa bàn.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, Bộ Y tế đã xây dựng và ban hành kế hoạch phòng chống dịch bệnh năm 2023. Bộ Y tế đề nghị các địa phương nhanh chóng xây dựng, tham mưu, trình UBND cấp tỉnh, thành phố xây dựng và triển khai kế hoạch công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là dịch COVID-19 để sớm có quyết định phê duyệt kinh phí cho công tác phòng chống dịch;

Đồng thời chủ động tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm và chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh; phối hợp với các đơn vị của Bộ Y tế trong giám sát, phòng chống, chẩn đoán điều trị bệnh truyền nhiễm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn