MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Trần Thị Trang- quyền Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế- Bộ Y tế. Ảnh: NVCC

Bộ Y tế lý giải vì sao danh mục thuốc bảo hiểm y tế đã 5 năm chưa cập nhật

Thùy Linh LDO | 27/09/2023 20:28

Trao đổi với Báo Lao Động, bà Trần Thị Trang - quyền Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế - Bộ Y tế đã đưa ra những nguyên nhân khiến danh mục thuốc bảo hiểm y tế đã 5 năm chưa được cập nhật.

Danh mục thuốc bảo hiểm y tế chậm cập nhật do dịch COVID-19?

Thưa bà, vì sao Danh mục thuốc Bảo hiểm y tế đã 5 năm chưa được cập nhật?

- Danh mục thuốc bảo hiểm y tế, từ năm 2018 đến giờ đã được cập nhật 1 lần vào năm 2022, tuy nhiên mới chủ yếu cập nhật thuốc cho các bệnh lý liên quan đến COVID-19.

Do những năm vừa qua là trải qua đại dịch COVID-19 nên tập trung vào phòng chống dịch, việc xây dựng danh mục thuốc chưa có điều kiện để thực hiện, cập nhật.

Tuy nhiên hiện nay, Bộ Y tế đã và đang triển khai rà soát nhằm cập nhật danh mục thuốc này.

Việc rà soát đang được tiến hành như thế nào, thưa bà?

- Để rà soát được phải có những điều kiện như phải đánh giá hiện trạng chi trả quỹ bảo hiểm y tế hiện nay với các loại thuốc như thế nào? Khả năng cân đối quỹ, rà soát danh mục thuốc, rà soát các chẩn đoán điều trị ra sao?

Từ đó, các hội đồng chuyên môn xem xét, theo quy trình của luật, sau đó là ban hành văn bản, cũng sẽ mất thời gian. Tuy nhiên, năm 2023, Bộ Y tế cũng đang tiến hành, thực hiện theo quy trình và chắc chắn trong đầu năm tới, danh mục này sẽ được trình Bộ trưởng để ban hành.

Có ý kiến cho rằng việc chậm cập nhật danh mục thuốc bảo hiểm y tế gây ảnh hưởng lớn đến bệnh nhân, bệnh nhân sẽ chịu thiệt thòi khi điều trị bệnh mà không được tiếp cận các loại thuốc mới?

- Thực ra, quỹ bảo hiểm y tế, danh mục thuốc đã đảm bảo chi trả được hầu hết các bệnh lí hiện nay và thuốc thì trong danh mục bảo hiểm y tế, phần lớn là những thuốc được đăng kí, đều có mặt để có chi trả bảo hiểm y tế.

Tuy nhiên, không phải cứ thuốc mới được phát minh và thuốc mới được đăng kí là nghiễm nhiên được đưa vào danh mục thuốc bảo hiểm y tế, mà nó còn căn cứ vào khả năng cân đối của Quỹ vào danh mục thuốc hiện có, gồm nhiều loại.

Tiếp đó, việc này cũng đòi hỏi quá trình xác định hiệu quả điều trị so với các thuốc hiện hành. Chính vì thế, ở đây câu chuyện không phải là danh mục thuốc bảo hiểm y tế cập nhật muộn mà phải có quá trình rà soát.

Tôi xin đơn cử: Để được đưa vào điều trị, các loại thuốc được cấp số lưu hành thì có thể rộng, nhưng đưa vào quỹ bảo hiểm y tế chi trả thì phải đánh giá trên nhiều yếu tố, tỉ lệ là bao nhiêu? Có những thuốc cùng điều trị một bệnh đó nhưng tỉ lệ chi trả giữa các thuốc sẽ là khác nhau.

Ví dụ như những thuốc mới đang còn phát minh, đang còn thời hạn bảo hộ thì rõ ràng giá cao. Giá cũng là một yếu tố phải tính.

Phạm vi chi trả của bảo hiểm, thay vì thuốc hiện hành đang có là 100% hay 70% thì những thuốc mới bao giờ cũng được tỉ lệ chi trả nhất định là 30% - 40%.

Vẫn có thuốc mới để điều trị chứ không có nghĩa là thuốc mới phát minh không được đưa vào Danh mục thanh toán bảo hiểm y tế mà chúng ta không có thuốc để điều trị. Đây là điều cần khẳng định rõ ràng.

Đơn vị nào chịu trách nhiệm về vấn đề này, thưa bà?

- Bộ Y tế giao Vụ Bảo hiểm Y tế rà soát, xây dựng danh mục này, giúp cho Bộ còn có các Hội đồng chuyên môn theo các chuyên khoa, chuyên ngành. Danh mục thuốc có tận 28 chuyên khoa chuyên ngành.

Từng chuyên khoa sẽ có các tiểu ban phụ trách khác nhau. Ví dụ thuốc tim mạch, sẽ do tiểu ban tim mạch rà soát kĩ càng, cẩn thận. Rồi còn liên quan đến vấn đề an toàn hiệu quả của thuốc trong thực hành lâm sàng như thế nào, số liệu các cơ sở y tế, các vấn đề khác liên quan đến chi phí hiệu quả của thuốc, cân đối quỹ, mới quyết định được danh mục chi trả là bao nhiêu.

Người dân chờ lấy thuốc bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Thùy Linh

Danh mục thuốc bảo hiểm y tế khó có thể cập nhật hàng năm

Quy trình thẩm định hiện nay có khó khăn gì không, thưa bà?

- Có khó khăn. Để rà soát danh mục thuốc phải theo quy trình bộ luật ban hành văn bản, nhưng đồng thời, phải có các quy trình chuyên môn của các ban chuyên môn nên có những khó khăn nhất định về mặt thời gian, quy trình thủ tục, rồi phải mời số lượng lớn chuyên gia.

Trong khi điều kiện, nhân lực của Vụ Bảo hiểm Y tế, ngành Y tế hiện nay còn những khó khăn. Cho nên việc ban hành đòi hỏi phải mời được chuyên gia, cơ chế cho chuyên gia làm việc và có đề xuất danh mục.

Vụ Bảo hiểm y tế có đề xuất gì nhằm sớm cập nhật Danh mục thuốc Bảo hiểm y tế, phục vụ điều trị cho người bệnh?

- Hiện nay, Bộ Y tế cũng đang muốn đề xuất việc ban hành thông tư liên quan đến danh mục thuốc để được cập nhật hằng năm thì cần được ban hành dưới thông tư rút gọn, như thế mới kịp được tiến độ.

Thông thường ban hành thông tư, phức tạp như danh mục thuốc, đòi hỏi phải có 1 năm đánh giá tổng kết danh mục thuốc trước đó. Sau đó mất 1 năm để các tiểu ban thực hiện theo quy trình của luật, rồi ban hành văn bản mất thêm 1 năm nữa.

Rồi các nhóm tổ biên tập, ban soạn thảo chỉnh sửa rất mất thời gian, nên phải mất từ 2 – 3 năm mới cập nhật được danh mục thuốc 1 lần. Còn phải nghiên cứu đánh giá. Vì lẽ đó mà khó có thể xem xét ngay việc cập nhật hàng năm.

- Xin cảm ơn bà đã chia sẻ!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn