MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Triệu chứng dễ nhận thấy nhất của bệnh bạch hầu là hình thành mảng màu xám, dày ở họng và amidan. Ảnh: BVCC

Bộ Y tế nói về biện pháp khống chế bệnh bạch hầu

Thùy Linh LDO | 24/06/2020 15:38

Hàng nghìn người phải thực hiện cách ly sau khi phát hiện ổ dịch bạch hầu tại Đắk Nông. Việc này khiến nhiều người dân lo lắng.

Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nhóm B, là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch. 

Ông Đặng Quang Tấn- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, hàng năm, chúng ta vẫn ghi nhận rải rác các ca bệnh ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên… nhưng năm nay, bệnh bạch hầu ghi nhận thêm ở một số địa phương trong đó có Đắk Nông.

Đến nay, tại địa phương này đã có 12 ca dương tính với vi khuẩn gây bệnh bạch hầu, tập trung ở hai huyện Krông Nô và Đắk Glong và đã có một ca tử vong tại huyện Đắk Glong. Sau khi các ổ dịch xuất hiện, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Nông đã cách ly hơn 1.200 người có tiếp xúc và liên quan tới các bệnh nhân.

Ngay sau khi địa phương này phát hiện liên tiếp các ca bạch hầu, Bộ Y tế đã chỉ đạo địa phương triển khai điều tra xử lý ổ dịch.

Đặc biệt là tiến hành cách ly những ca bệnh nhằm chống lây nhiễm, giám sát chặt chẽ các trường hợp tiếp xúc gần, người tiếp xúc với người tiếp xúc gần, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm các trường hợp bệnh và nghi ngờ bệnh để cách ly, điều trị, điều trị dự phòng, khoanh vùng, xử lý ổ bệnh kịp thời, hiệu quả, không để dịch lây lan và bùng phát ra cộng đồng.

Bộ Y tế đã chỉ đạo Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên xuống địa bàn chỉ đạo trực tiếp, hướng dẫn công tác vệ sinh, xử lý môi trường phòng, chống bệnh bạch hầu theo hướng dẫn Bộ Y tế trên địa bàn tỉnh, nhất là các địa bàn có bệnh và khả năng bùng phát bệnh cao.

"Bệnh bạch hầu quan trọng nhất là phải phát hiện sớm. Việc điều trị dự phòng cho những trường hợp tiếp xúc bằng kháng sinh cũng đã được triển khai và có kết quả tốt, chưa có loại nào kháng. Cơ bản đến nay ổ dịch đã được kiểm soát", ông Tấn cho hay.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch tiêm bổ sung, triển khai tại một số tỉnh trọng điểm trong đó có Đắk Nông. Hiện tại, Đắk Nông đang chuẩn bị tiêm vaccine phòng, chống dịch cho nhóm đối tượng trong độ tuổi từ 7 đến dưới 40 tuổi.

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, bệnh bạch hầu lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không bảo đảm. Vì thế, việc cách ly y tế để hạn chế thấp nhất nguy cơ lây lan dịch bệnh.

TS Đặng Quang Tấn khuyến cáo: “Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vaccine phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế”. 

Trước đây bệnh lưu hành khá phổ biến ở hầu hết các địa phương trên cả nước. Từ khi vaccine phòng bạch hầu được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, bệnh đã được khống chế và chỉ ghi nhận một vài trường hợp lẻ tẻ do không tiêm vaccine phòng bệnh, thường xảy ra ở các khu vực vùng sâu, vùng xa nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Hiện bệnh bạch hầu chưa được loại trừ ở nước ta, do đó người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vaccine phòng bệnh và tiếp xúc với mầm bệnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn