MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bức tử thai nhi: Chuyện về những đứa trẻ may mắn thoát “án tử”

NHÓM PV LDO | 19/06/2020 07:27
Nếu may mắn thoát khỏi “án tử” từ các phòng phá thai chui, những thiên thần nhỏ vô tội chỉ mới ngoài 27 tuần, nhỏ như chai nước lọc, vẫn có phần trăm cơ hội được sống, được tận hưởng những điều tốt đẹp mà cuộc sống ban tặng...

Chiếc phao cứu sinh

Mỗi ngày, dù bận rộn hay trái múi giờ, chị Phạm Ánh Nguyệt (30 tuổi, đang sinh sống tại nước ngoài) vẫn dành thời gian để nói chuyện với những đứa con của mình. Dù trẻ tuổi, nhưng chị Nguyệt đã có tới hàng chục em nhỏ gọi là mẹ. Chúng không phải do chị sinh ra mà được chị cùng các bạn trong Nhóm cứu trợ thai nhi cứu về từ các phòng phá thai chui khắp Hà Nội.

Vừa vui vẻ trò chuyện với Phương Nhi (3,5 tuổi) – một bé gái được chị Nguyệt trực tiếp cứu khi mẹ phá thai ở tuần thứ 27, cúp máy, cô gái trẻ lại trầm tư về hành trình giải cứu những đứa trẻ ngay khi vừa rời bụng mẹ.

Theo lời chị Nguyệt, chị đã bắt đầu công việc này từ 3 năm trước, như một cơ duyên. Cô gái khi ấy mới chỉ 27 tuổi tự học trên google về cách sơ cứu trẻ bị ngạt. Rồi cứ thế làm theo và giờ đã thuần thục như một thói quen.

Sau khi lân la làm quen với y tá tại phòng khám và được họ đồng ý giúp đỡ, nhóm cứu trợ khi nhận được tin báo có người phá bỏ thai lớn, phải chầu chực vài tiếng, thậm chí cả 1-2 ngày để cứu các em bé.

“Nhận các bé từ phòng khám về, chúng tôi bắt xe chạy thẳng vào bệnh viện. Trong quá trình di chuyển sẽ phải tự hô hấp cho các con. Mình cũng chưa từng nghĩ đến việc có thể bị lây nhiễm nọ kia. Cứ bất chấp lắm. Miễn là cứu được các con”, chị Nguyệt kể.

Một em bé may mắn được cứu sống. Ảnh: P.A.N

Chị Nguyệt bồi hồi kể tiếp, lúc đầu mọi thứ đều khó khăn, cứu các con khổ lắm! Ngoài thuyết phục được y tá trong phòng khám giúp đỡ thì bên bệnh viện cũng "vặn vẹo" rất nhiều.

Khi đó, bệnh viện chưa chưa rõ sự tình như thế nào, người cứu trợ có động cơ gì khi cứ mang những thai nhi đỏ hỏn vào cấp cứu như vậy. Đôi khi, nhóm phải nói dối là nhặt được ngoài đường... vì nếu nói ra tên phòng khám sẽ không cứu được các bé nữa.

Mãi sau này, khi biết được tâm nguyện của nhóm, các bác sĩ mới đồng lòng giúp đỡ và hướng dẫn phải làm sao để giữ nhiệt cho các bé, hô hấp như thế nào để chính bản thân mình không bị lây nhiễm.

Cứu được đã khó, nhưng nuôi sống được các bé cũng không phải điều dễ dàng. Lúc được đưa vào bệnh viện, các bé mới chỉ tầm ngoài 27 tuần tuổi khi trong bụng mẹ nên còn rất yếu, nặng chỉ khoảng 1kg, được chăm sóc trong bệnh viện tới khoảng 2kg.

Sau đó, chị Nguyệt cùng với nhóm bạn hoặc các mạnh thường quân sẽ đón về nhà chăm cho tới khi cứng cáp, bảo đảm rằng em bé hoàn toàn ổn định trong thời gian mẹ ruột suy nghĩ lại.

Rời phòng khám, những người cứu hộ vừa đưa em bé tới bệnh viện vừa hô hấp nhân tạo để bé có thể thở được. Ảnh: P.A.N

“Chắc trời thương, đứa nào cũng ngoan ngoãn, chịu khó ăn uống nên mau khoẻ mạnh. Với các bé như vậy, mình phải chăm kĩ hơn bé sơ sinh bình thường 1 chút và để các bé ở gần bệnh viện để có gì tiện theo dõi”, chị Nguyệt tâm sự.

Khó khăn không chỉ ở việc cứu và chăm sóc các bé, chị Nguyệt cũng như nhóm bạn cũng đã nhận không ít đàm tiếu về hành động của mình.

“Họ nghĩ mình cứu thì sẽ có tiền, phải như thế nào thì nó mới đâm đầu cứu như vậy chứ. Nhưng thật ra chưa bao giờ có 1 đồng nào hết. Tất cả đều từ tâm mình ra. Nhóm tự đóng góp tiền để cứu các con. Mãi đến khi 4 con được gửi vào trung tâm bảo trợ thì nhiều mạnh thường quân mới biết tới và chung tay cưu mang các con, giúp đỡ bỉm sữa, chăm sóc”.

Chắt chiu hạnh phúc

Không chỉ cứu sống các con, những thành viên cứu hộ còn tìm mọi cách để kết nối lại với bố mẹ đẻ. Nguyễn Văn Cường – thành viên một đội cứu hộ tại Hà Nội tâm sự: Để tìm lại được bố mẹ của bé bị phá bỏ cũng phải nhờ vào y tá của phòng khám là người kết nối. Họ nói chuyện với bố mẹ xin số điện thoại, địa chỉ, facebook, zalo để chúng tôi có thể liên lạc được.

Một thành viên nhóm Cứu hộ thai nhi trong buổi trao đổi với PV. 

Liên lạc được đã là may mắn nhưng có những bố mẹ dù thuyết phục “gẫy cả lưỡi” cũng không chịu ra làm xét nghiệm, không đồng ý nhận lại con và nuôi con.

“Chúng tôi nói chuyện với họ, có những trường hợp thuyết phục cứ nhận lại con có khó khăn thì sẽ giúp đỡ. Sau một thời gian suy nghĩ cũng có người nhận lại con. Người không nhận lại thì xin địa chỉ của bố mẹ mới để thi thoảng hỏi thăm, nhìn ảnh con", Cường kể.

Theo Cường, nhiều trường hợp khi được liên lạc đã nói thẳng là không nhận con, không liên quan, đó không phải con của họ. Thậm chí, còn chửi bới thành viên nhóm cứu hộ nữa.

"Dù vất vả, khó khăn, nhưng chúng tôi vẫn mong những ông bố, bà mẹ sẽ suy nghĩ lại và đón con về, chăm sóc con. Chúng tôi muốn những điều tốt đẹp nhất được trao cho các con”, chàng trai với tâm nguyện cứu sống các thai nhi bị ép đẻ non tại các phòng khám chia sẻ.

Những em bé may mắn được cứu từ các phòng khám hiện lớn lên khoẻ mạnh. Ảnh: P.A.N

Do hoàn cảnh mỗi người một khác nên các ông bố, bà mẹ trong các đội cứu hộ không thể chăm sóc hết các bé cho đến khi lớn khôn nhưng cả nhóm vẫn thường xuyên liên lạc và qua thăm các bé.

“Nhiều bé hiện đã có một gia đình ấm êm, được bố mẹ nuôi yêu thương, chăm sóc và khó có thể biết về quá khứ của mình. Nhưng không phải, đứa trẻ nào cũng được may mắn có gia đình nhận nuôi.

Mong rằng sẽ có thêm nhiều người cùng chung tay với chúng mình cứu sống và nuôi nấng những thiên thần vô tội này. Và trên hết, chúng mình mong rằng sẽ có thêm nhiều số phận kém may mắn được cứu, có danh phận, và có cuộc sống bình thường, được yêu thương như những đứa trẻ khác”, chị Phạm Ánh Nguyệt chia sẻ.

(*Tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi) 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn