MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chuyên gia đề nghị cần sớm bỏ xác định F1. Ảnh: PV

Ca mắc liên tục tăng cao, nếu cứ xác định F1 thì lấy ai làm việc?

Phạm Đông LDO | 04/03/2022 06:38

Số ca mắc COVID-19 tăng nhanh mỗi ngày, đây là thách thức, áp lực và khó khăn rất lớn khi thiếu hụt lao động. Theo chuyên gia, nếu duy trì việc xác định F1 như hiện nay thì sẽ không còn ai làm việc tại cơ quan, công sở.

Cần sửa đổi quy định F1, xét nghiệm âm tính có thể đi làm

Như Lao Động đã đưa tin, hiện tại nhiều công sở đang thiếu lao động do số F0, F1 ngày càng nhiều. Quy định F1 như hiện nay không còn phù hợp khi không có khả năng truy vết COVID-19, trong khi y tế cơ sở quá tải, không thể xác nhận được tất cả F0, chưa nói đến đối tượng F1.

Đáng chú ý, ngày 3.3, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2.2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ Y tế đánh giá chính xác tình hình dịch bệnh; nghiên cứu, đánh giá tình trạng kháng thể bảo vệ trước SARS-CoV-2 trên phạm vi cả nước, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để có biện pháp phù hợp, hiệu quả để tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem COVID-19 là bệnh đặc hữu.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế phân tích, trong bối cảnh Hà Nội gia tăng F0 như hiện nay, tuỳ vào hoàn cảnh, nếu F1 xét nghiệm âm tính, không có triệu chứng, có thể tiếp tục đi làm. "F1 cách ly hàng loạt sẽ ảnh hưởng lực lượng lao động. Do đó, Bộ Y tế nên ban hành, sửa đổi quy định để tạo điều kiện cho người dân", ông Nga nói.

Theo vị chuyên gia này, Việt Nam nên tiến tới xem COVID-19 là bệnh đặc hữu bình thường, từ đó giảm gánh nặng cho Nhà nước. Trong trường hợp COVID-19 không còn là bệnh truyền nhiễm nhóm A, theo ông Nga, người dân nên chi trả tiền khám, điều trị. Cụ thể, việc thanh toán tiền khám, chữa bệnh COVID-19 cũng cần ứng xử như với các bệnh lý khác. Nghĩa là có thể do bảo hiểm y tế chi trả hoặc khám dịch vụ do người dân tự chi trả khi đến các bệnh viện. Hệ thống tư nhân cũng có thể tham gia điều trị COVID-19 và thu phí.

Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, người dân không nên hoang mang và lo lắng khi "đếm số ca" mỗi ngày. Trên thực tế, độ bao phủ vaccine của Hà Nội lớn, người dân thậm chí đã được tiêm mũi 4. Ngoài ra, chủng Omicron tuy lây lan nhanh, nhưng triệu chứng bệnh nhẹ hơn. Tuy nhiên, cơ quan y tế vẫn phải quan tâm những người sức khoẻ yếu, người già, người có bệnh nền vì họ có thể chuyển nặng.

Tuy nhiên, ông cũng khuyến cáo, người dân nên tuân thủ thật nghiêm quy định 5K, đặc biệt đeo khẩu trang và tránh tụ tập đông người. Ngoài tiêm chủng, người dân cũng cần phải tăng cường nâng cao sức khoẻ, ăn uống đầy đủ dưỡng chất, bổ sung vitamin, tập thể dục.

"Hiện nay 90% người bệnh không có triệu chứng, do đó nhiều F0 không triệu chứng có thể đi lại trong cộng đồng, chúng ta cần hạn chế đến những nơi đông người", ông Nga nói.

Cách gọi F0, F1 không phải là thông lệ quốc tế

Theo BS Trần Văn Phúc, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, các quốc gia trên thế giới hiện nay dần gỡ bỏ các biện pháp kiểm dịch. Nhiều nước không còn quá khắc nghiệt trong chuyện cách ly F0 nữa mà theo xu hướng tất cả F0 điều trị tại nhà, chỉ ca nặng mới tới viện. Thậm chí có quốc gia không quá quan trọng việc cách ly F0 tại nhà, ngay cả với F1 họ không yêu cầu cách ly mà cần tự theo dõi sức khỏe.

“Nếu F0, F1 tại Việt Nam tăng nhanh mà duy trì cách ly F1 như hiện nay thì chỉ trong thời gian ngắn nữa, chúng ta sẽ không còn người để làm việc tại các cơ quan, công sở. Theo tôi, chúng ta không nên đặt nặng vấn đề cách ly F0 triệt để nữa. Thay vào đó, ngành y tế cần tập trung quản lý các trường hợp F0 bệnh nặng, hoặc có yếu tố nguy cơ chuyển nặng là được. Với F1 không nên cần thiết phải cách ly như trước”, BS Phúc nói.

Chuyên gia cho rằng vốn cách gọi F0, F1 không phải là thông lệ quốc tế mà là "sáng tạo" để người dân dễ hiểu, theo dõi tình hình truy vết cũng như đánh giá nguy cơ của mình. Đây là cách gọi lấy từ phả hệ di truyền và chúng thể hiện quan hệ người lây - người bị lây. Điều này cũng thể hiện việc nhấn mạnh vào virus, không phải vào người mang virus.

Vào giai đoạn này, khi virus lây lan rộng trong cộng đồng, các phương án truy vết, cách ly không còn hiệu quả. Nhiều trường hợp người là F0 chưa chắc đã lây cho người khác, F1 có thể là F0, một người có nhiều nguồn tiếp xúc thì việc xác định đúng ai lây cho ai đã trở nên rất phức tạp. Do vậy, chúng ta tiến tới bỏ cách gọi F0, F1 vì những lý do như trên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn