MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các địa phương cần cập nhật cấp độ dịch nhanh chóng, kịp thời. Ảnh: LĐO

Các địa phương cần cảnh giác cao độ, cập nhật ngay cấp độ dịch khi thay đổi

Thiều Trang - Thùy Linh LDO | 04/11/2021 07:55

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng, các địa phương cần cập nhật cấp độ dịch nhanh chóng và thường xuyên ngay từ quy mô cấp xã, phường.

"Địa phương cần đánh giá cấp độ dịch tới tận cấp xã"

Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11.10.2021 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.

Theo đó, 4 cấp độ dịch COVID-19 sẽ được đánh giá dựa trên 3 tiêu chí gồm: Tỉ lệ ca mắc mới tại cộng đồng số dân/thời gian; Độ bao phủ vaccine; Đảm bảo khả năng thu dung, điều trị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến.

Đặc biệt, phạm vi đánh giá cấp độ dịch được đánh giá từ quy mô cấp xã, khuyến khích đánh giá từ phạm vi, quy mô nhỏ nhất, có thể dưới cấp xã.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, mục đích công bố cấp độ dịch giúp các tỉnh, thành phố đánh giá được mức độ nguy cơ ở từng thời điểm, từ đó đưa ra các biện pháp đáp ứng phù hợp. Điều này cũng giúp các địa phương thực hiện mục tiêu kép - phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế.

"Tôi cho rằng, các địa phương cần đánh giá cấp độ dịch tới tận cấp xã. Điều này sẽ tránh tình trạng chỉ vì một số ổ dịch nhỏ ở các xã, huyện trên địa bàn mà đánh giá chung cả tỉnh, thành phố.

Bên cạnh đó, việc phân cấp độ dịch của mỗi địa phương cần dựa trên giám sát dịch tễ và đánh giá nguy cơ để đảm bảo tính chính xác, đặc biệt là các tỉnh, thành phố xuất hiện nhiều ổ dịch trong cộng đồng thời gian qua. Từ đó, địa phương mới có thể đưa ra biện pháp phòng dịch phù hợp, không ảnh hưởng tới người dân trên địa bàn cũng như tỉnh, thành phố khác" - PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

PGS.TS Trần Đắc Phu. Ảnh: VGP/Đình Nam

Cập nhật cấp độ dịch ngay khi có thay đổi

Khẳng định tình hình dịch COVID-19 hiện nay vẫn còn phức tạp, đặc biệt tại các địa phương tiếp nhận người dân từ những tỉnh, thành phố bùng phát dịch trong thời gian qua, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho rằng, việc mở cửa, nới lỏng chính sách để sống chung an toàn với SARS-CoV-2 không đồng nghĩa với việc buông lỏng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đang thực hiện.

"Tình trạng chủ quan, tập trung đông người, không thực hiện tốt 5K,... sau khi được nới lỏng có thể tạo điều kiện cho SARS-CoV-2 lan ra nhiều khu vực, đặc biệt nguy hiểm tại những nơi có tỉ lệ tiêm chủng vaccine còn thấp.

Vì vậy, tất cả địa phương đều phải cảnh giác cao độ, nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như xét nghiệm, truy vết, cách ly, khoanh vùng, phong tỏa và ngăn ngừa, tránh để ổ dịch bùng phát. 

Bên cạnh đó, người dân phải đảm bảo thực hiện tốt khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, nếu lơ là, chủ quan, dịch hoàn toàn có thể bùng trở lại" - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cảnh báo, đồng thời nhấn mạnh việc đánh giá mức độ dịch trên địa bàn cần được các địa phương cập nhật nhanh và thường xuyên.

“Không nhất thiết phải theo một tần suất cố định. Nhưng mỗi khi tình hình dịch thay đổi như từ cấp 4 xuống cấp 3, vùng xanh lên vùng vàng,... các tỉnh, thành phố cần cập nhật ngay với quy mô từ xã, phường” - PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Vào mùa đông, nguy cơ lây nhiễm có tăng cao?

Về mối lo nguy cơ lây nhiễm tăng cao ở miền Bắc vào mùa đông, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho biết, yếu tố nhiệt độ không ảnh hưởng nhiều tới sự phát triển của virus.

Theo ông, tiếp xúc gần với người mắc COVID-19 trong không gian kín mang đến nguy cơ lớn hơn. Nguyên nhân là virus SARS-CoV-2 thường lây lan chủ yếu trong nhà, nơi có không gian kín.

“Điều đáng lo ngại nhất trong mùa đông là dễ nhầm lẫn các triệu chứng của COVID-19 và cúm mùa. Trong điều kiện nhiệt độ thấp, tình trạng cảm cúm rất dễ xảy ra với người dân cùng những triệu chứng khá tương đồng. Chúng ta cũng không thể loại trừ trường hợp một người vừa mắc cúm, sau đó mắc thêm COVID-19 và ngược lại” - PGS Phu chia sẻ.

Tuy nhiên, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho rằng, thực hiện tốt khuyến cáo 5K cũng hạn chế nguy cơ mắc cúm. Vì vậy, bản thân người dân phải nhận thức để phòng tránh nguy cơ lây nhiễm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn