MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Áp dụng cho cả 4 vùng cấp độ dịch. Ảnh: Lao Động

Các địa phương chờ Bộ Y tế để xác định cấp độ dịch

Lệ Hà LDO | 13/10/2021 18:50

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Nghị quyết của Chính phủ phân thành 4 cấp độ dịch (màu xanh, màu vàng, màu đỏ và màu cam). Hiện Bộ Y tế chưa có hướng dẫn để xác định 4 cấp độ dịch, các địa phương chưa có cơ sở xác định cấp độ dịch để cho phép hoặc hạn chế các loại hoạt động.

Cả nước sẽ trở lại trạng thái bình thường mới

Một số điểm lưu ý của Nghị quyết 128/NQ-CP về việc ban hành quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" là chính thức bãi bỏ nguyên tắc “Loại trừ F0” và thay thế vào đó là thừa nhận nguyên tắc “Chung sống với dịch” là xu thế chung của thế giới hiện nay; Chấp nhận phủ vaccine là giải pháp chính trong phòng chống dịch; Chấp nhận cho điều trị tại nhà đối với người bị lây nhiễm COVID-19 (áp dụng cho cả 4 vùng cấp độ dịch). 

Bộ Y tế sẽ có hướng dẫn về tiêu chí, phương pháp đánh giá, xác định cấp độ dịch; Việc cho tái hoạt động trong từng lĩnh vực sẽ căn cứ vào cấp độ dịch của địa phương.

Một lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, hiện Bộ Y tế đang hoàn thiện hướng dẫn về tiêu chí theo Nghị quyết 128. Trước đó, vào ngày 9.10, Bộ Y tế cũng đã xây dựng xong dự thảo "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" đang được lấy ý kiến quy định chi tiết điều kiện hoạt động, kinh doanh của các loại hình dịch vụ.

Dự thảo nghị quyết đưa ra 5 tiêu chí để đánh giá cấp độ dịch, gồm 2 tiêu chí cơ bản là số ca nhiễm mới tại cộng đồng, tỉ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm vaccine.

Việc xác định cấp độ dịch sẽ được đánh giá ở phạm vi nhỏ nhất là cấp xã, tổ/đội, khu dân cư, thôn xóm thay vì cấp huyện, tỉnh, trên cơ sở phân loại 4 cấp độ nguy cơ (4 vùng tương ứng xanh, vàng, cam, đỏ). 

Địa phương căn cứ vào tình hình dịch, tỉ lệ tiêm vaccine trên địa bàn để quy định cụ thể về giới hạn số lượng người tham gia, phạm vi và công suất của hoạt động và tổ chức nhưng không vượt quá quy định của hướng dẫn; ưu tiên cho người tiêm đủ liều vaccine và khỏi bệnh COVID-19.

Theo đó, giao thông công cộng (bằng đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và hàng hải) sẽ phải dừng hoạt động nếu là vùng đỏ (cấp độ 4), các vùng còn lại đều được hoạt động song phải giảm công suất ở vùng cam. Tuy vậy, người điều khiển, người phục vụ trên phương tiện phải được xét nghiệm định kỳ 1 tuần/lần ở vùng cam (cấp độ 3) và 2 tuần/lần vùng vàng (cấp độ 2); có xét nghiệm âm tính.

Cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, công trình giao thông, xây dựng, cơ sở kinh doanh dịch vụ đều được hoạt động ở cả 4 cấp độ dịch, song phải áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch. 

Dự thảo nghị quyết cũng cho các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng, quán ăn được hoạt động ở cả 4 cấp độ dịch trên cơ sở đảm bảo phòng chống dịch, người lao động và khách được tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19, đã khỏi bệnh hoặc có xét nghiệm âm tính...

Các cơ sở kinh doanh dịch vụ khác như làm tóc (bao gồm cắt tóc), làm đẹp, mát xa, vũ trường, karaoke, quán bar, Internet, trò chơi điện tử hoặc các cơ sở khác được hoạt động hay không sẽ do địa phương quyết định và đảm bảo phòng, chống dịch theo hướng dẫn của chính quyền địa phương. 

Hoạt động bán hàng rong, vé số dạo cũng phải ngừng hoạt động ở vùng đỏ, vùng vàng (trừ trường hợp được tiêm đủ liều vaccine hoặc có xét nghiệm âm tính còn hiệu lực).

Đối với các hoạt động tại cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà nghỉ, tham quan du lịch; biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao… tùy vào cấp độ dịch để hoạt động hoặc hạn chế số lượng người tham gia, giảm công suất. 

Nghị quyết phù hợp với bối cảnh

PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho rằng, nhiều quốc gia đưa ra quan điểm "sống chung an toàn với COVID-19" và dần bỏ quan điểm "Zero COVID-19". Tại Việt Nam, việc quét sạch F0, đưa F0 về "zero" trong thời điểm hiện nay là rất khó. Chúng ta chỉ có thể khống chế ở mức độ nhất định, nhất là khi tới đây chúng ta thực hiện nới lỏng để phát triển kinh tế. Nhu cầu làm kinh tế cũng vô cùng quan trọng để đảm bảo an sinh xã hội và cũng là để có nguồn lực cho phòng chống dịch.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, điều kiện để "thích ứng và kiểm soát dịch COVID-19" cần kiểm soát dịch; đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, khi đạt được miễn dịch cộng đồng thì về lâu dài có thể "chung sống" như bệnh cúm mùa thông thường; Có sẵn cơ sở điều trị để không người bệnh nào không được can thiệp y tế khi cần thiết; Tất cả các ngành các cấp, các địa phương phải có phương án đảm bảo an toàn để thích ứng với dịch bệnh một cách phù hợp và linh hoạt đảm bảo vừa kiểm soát được dịch vừa làm kinh tế thực hiện mục tiêu kép. 

GS.TS, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí đồng tình ủng hộ việc Chính phủ Ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Theo GS Trí, qua đợt bùng phát thứ 4 vừa qua đã rút được nhiều kinh nghiệm từ phòng dịch, cách lý, xét nghiệm, chữa trị… Số người được tiêm vaccine đã nhiều hơn và đang còn tăng lên; Cách thức phòng chống dịch đến nay đã rành mạch hơn…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn