MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trong khi chờ xe cấp cứu đến, càng nhanh càng tốt cần đặt bệnh nhân nằm nghiêng cao đầu 30 - 45 độ, mặc quần áo thoáng. Ảnh đồ họa: P.Công

Cách sơ cứu khi gặp người bị đột quỵ

P.Công (T/H) LDO | 04/01/2021 09:52

Khi phát hiện người bị đột quỵ cần giữ thông thoáng môi trường xung quanh bệnh nhân để giúp họ thở tốt. Bệnh nhân cần được đi cấp cứu ngay, càng sớm càng tốt.

Nếu sơ cứu sai lầm sẽ làm tăng tỉ lệ tử vong do đột quỵ

Đột quỵ dễ bị nhầm lẫn với các bệnh khác như trúng gió, đau nửa đầu hoặc đau tim. Chính vì thế, không ít người đã chọn cách sơ cứu sai, dẫn đến chậm trễ trong việc cấp cứu bệnh nhân, việc này sẽ rất tai hại và để lại hậu quả nghiêm trọng.

Theo các bác sĩ, đột quỵ có hai dạng là nhồi máu não (chiếm 85% trường hợp) và xuất huyết não. Triệu chứng của đột quỵ thường diễn tiến đột ngột như đang làm việc, sinh hoạt bình thường bỗng nhiên liệt hẳn một bên, không nói được, méo mặt, ngã quỵ, đau đầu, chóng váng…

Vì người nhà dễ liên tưởng đến hiện tượng trúng gió, đau nửa đầu nên thường chọn cách xử lý như cạo gió, xức dầu mà không đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế gần nhất.

Ngoài ra, có một số triệu chứng khác không rõ rệt nên người nhà khó phát hiện kịp thời, làm lỡ mất khoảng "thời gian vàng".

Nếu như chúng ta quyết định để bệnh nhân ở nhà và không đưa đi bệnh viện thì đã vô tình làm mất đi "thời gian vàng" có thể chữa được cho bệnh nhân.

Cách sơ cứu người bị đột quỵ

Trong khi chờ xe cấp cứu đến, càng nhanh càng tốt cần đặt bệnh nhân nằm nghiêng cao đầu 30 - 45 độ, mặc quần áo thoáng.

Trường hợp bệnh nhân bị nôn, cần xoay người bệnh nhân sang 1 bên, để tránh đờm, dãi chui vào mũi, phổi và sẽ không bị sặc. Nếu trong họng vẫn còn có đờm, nhớt, dị vật cần phải móc ra giúp đường thở được thông thoáng.

Nếu bệnh nhân ngừng tim, cần cấp cứu ngừng tuần hoàn, kêu gọi người xung quanh hỗ trợ.

Nếu người bệnh bị co giật, phải lập tức dùng chiếc đũa bọc giẻ, đặt ngang miệng bệnh nhân để tránh cắn vào lưỡi.

Tránh không được để bệnh nhân bị ngã, dễ dẫn đến các chấn thương khác, nhất là vùng đầu.

Đặc biệt, trong thời điểm chờ nhân viên y tế 115, người nhà không nên cho người bệnh ăn hay uống bất cứ thứ gì để tránh nghẹn, sặc. Ngoài ra, không cạo gió hoặc chích máu 10 đầu ngón tay nếu không phải chuyên gia.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn