MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cách xa ngàn cây số, người nuôi lợn hối hả phòng dịch tả lợn châu Phi

Bảo Trung LDO | 14/03/2019 12:30
Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi đang hoành hành ở một số tỉnh phía bắc. Người dân nuôi heo ở một số tỉnh thành khu vực ĐBSCL và chính quyền địa phương đã tỏ ra khá lo lắng nên đã lên kế hoạch phòng ngừa dịch bệnh...

Thay nhau "bày kế" chống dịch

Ông Hoàng Dũng (ngụ huyện Thới Lai, TP.Cần Thơ) cho biết: Trang trại của tôi đang nuôi gần 500 con heo siêu nạc. Trước thông tin dịch lợn tả Châu phi đang hoành hành ở nhiều tỉnh phía bắc. Tôi cùng nhiều bà con nuôi heo trong vùng hết sức lo lắng. Hiện, tôi tiến hành tắm rửa cho heo, vệ sinh trại 3 lần trên một ngày, kết hợp tiến hành khử trùng khu vực trong và xung quanh trang trại bằng vôi bột, Cloramin B hoặc một số chất khử trùng khác… Tất cả mọi người đặt chân vào trang trại đều phải mang ủng, đeo khẩu trang và mặc áo bảo hộ để tránh lây lan mầm bệnh.

Người dân nuôi heo ở huyện Thới Lai, TP.Cần Thơ đang tiến hành khử trùng, vệ sinh chuồng trại để phòng dịch từ xa. Ảnh: Bảo Trung

Với số lượng gần 500 con heo siêu nạc như hiện nay, nếu như dịch bệnh xảy ra ở trại ông Dũng thì thiệt hại sẽ lên đến vài tỉ đồng.

Cùng chung tâm trạng, ông Nguyễn Văn Vững, (ngụ quận Bình Thủy, TP.Cần Thơ) tâm sự: Trại nuôi heo nhà tôi cũng đang có khoảng 300 con heo. Khi nghe thông tin dịch bệnh tả lợn châu Phi đang hoành hành ở phía bắc cũng đang hết sức lo lắng. Bà con nuôi heo trong vùng cũng cùng chung tâm trạng lo lắng. Họ phòng dịch ngày đêm. Ngoài ra, trước tình hình dịch tả lợn châu Phi đang hoành hành, rất nhiều người còn lo ngại giá thịt lợn sẽ có dấu hiệu giảm giá sâu. Rất nhiều người đã đầu tư một số tiền khá lớn để nuôi heo, nếu giá heo giảm thì họ có nguy cơ lỗ vốn rất cao.

Chính quyền địa phương nói gì?

Ông Lê Duy Tâm - Trưởng trạm thú y huyện Thới Lai cho biết huyện Thới Lai là một trong những huyện có khá nhiều hộ dân nuôi heo ở TP.Cần Thơ. Đến cuối năm 2018, toàn huyện có khoảng hơn 1.200 hộ nuôi heo với tổng số lượng gần 24.000 con heo. Việc phòng ngừa dịch từ xa của người dân là cần thiết.

"Ngoài ra, chúng tôi còn vận động các hộ nuôi heo vừa và lớn trên địa bàn huyện ký cam kết 5 “không” trong phòng chống dịch tả lợn châu Phi như:  Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển heo bệnh, heo chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt heo bệnh, heo chết; không vứt heo chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt." ông Tâm nói.

Việc người dân chủ động phòng dịch từ xa là hết sức cần thiết. Ảnh: Bảo Trung

Ông Lê Hoàng Tua – Chủ tịch Hội nông dân quận Bình Thủy cũng cho biết quận Bình Thủy là một trong những quận giáp ranh khu vực trung tâm TP.Cần Thơ nên số lượng người nuôi heo cũng có hạn chế hơn so với những quận huyện khác nhưng nếu dịch bệnh tả lợn châu Phi xảy ra ở khu vực này cũng sẽ rất nguy hiểm, việc kiểm soát dịch bệnh cũng rất khó khăn. Chúng tôi cũng thường xuyên đề nghị người nuôi heo trên địa bàn phải tích làm sạch, khử trùng trang trại để bảo vệ đàn heo và khuyên người dân thường xuyên theo dõi thông tin về dịch bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Ông Phạm Trường Yên - Phó giám đốc Sở NN-PTNT TP.Cần Thơ cho hay là thủ phủ của miền Tây, TP.Cần Thơ có đàn heo khoảng 130.000 con tập trung chủ yếu ở các huyện Vĩnh Thạnh, Thới lai, Cờ Đỏ... Hiện, bệnh tả lợn Châu Phi chưa phát hiện ở Cần Thơ và kể cả các tỉnh miền Tây.

Hiện, Bệnh tả heo vẫn chưa có vắc xin phòng, chữa bệnh. Cho nên, khâu phòng ngừa đóng vai trò quan trọng nhất. Bệnh tả heo này, lây lan chủ yếu do vận chuyển heo và các sản phẩm bệnh, nghi bệnh từ nơi này qua nơi khác. Trong thời gian tới, các trạm kiểm dịch trên địa bàn thành phố sẽ tăng cường kiểm dịch chặt chẽ hơn nữa, nếu phát hiện những trường hợp khả nghi sẽ tiến hành kiểm định và sẽ tiêu hủy nếu phát hiện mầm bệnh.

Người nuôi heo nên mua heo giống từ nguồn sạch bệnh, áp dụng an toàn sinh học trong chăn nuôi, không vận chuyển, nhập thịt heo từ vùng có dịch, ông Yên nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn