MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
GS. Nguyễn Anh Trí. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cần một chiến lược phục hồi kinh tế từ y tế: Thế kỷ của y tế và cơ hội của Việt Nam

HUYÊN NGUYỄN - ĐÌNH TRƯỜNG (thực hiện) LDO | 23/05/2020 07:45

GS.AHLĐ Nguyễn Anh Trí - Đại biểu Quốc hội khoá XIV, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương nhấn mạnh rằng, y tế Việt Nam đã có những bước tiến vượt trội trong thời gian qua mà không ai có thể phủ nhận. Sau đại dịch này là một kỉ nguyên, chúng ta làm chủ công nghệ, kĩ thuật.

Những thành công khó phủ nhận

Thưa GS, trong đợt dịch COVID-19, ông đánh giá nước ta đã có những thành công như thế nào về mặt y tế?

- Dịch COVID-19 cho đến nay về cơ bản đã được khống chế. Có thể nói, đây là một thành tựu rất to lớn của đất nước. Trong đó, y tế giữ một vai trò quan trọng mà có thể điểm ra được những thành tựu đáng chú ý.

Thứ nhất, đó là thành tựu của hệ thống y tế dự phòng. Chúng ta đã vào cuộc sớm, quyết liệt, và bài bản. Đặc biệt là xử lý tốt nguồn lây nhiễm, các trường hợp mang mầm bệnh, nhất là từ nước ngoài về, bao vây các ổ dịch.

Có thể thấy, đây là lần đầu tiên tôi được chứng kiến cả nước có đến trên 120 cơ sở làm được xét nghiệm Real-time PCR để sàng lọc SARS-CoV-2, trong đó có cả các cơ sở y tế tư nhân.

Mặt khác, về y học điều trị, cho đến nay, tất cả các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 thì chưa một ai tử vong, kể cả những ca có bệnh nền rất nặng. Điều đó chứng tỏ, chúng ta có những phác đồ linh hoạt, sáng tạo. Ngay cả tuyến huyện đã điều trị được bệnh COVID-19. Thành công đó đã được nhiều nền y học trên thế giới đánh giá rất cao. 

Về y học cơ bản, chúng ta cũng đã phân lập được virus COVID-19 từ rất sớm; và Việt Nam đã sản xuất được test kit để phát hiện SARS-CoV-2 cho thấy được nền công nghiệp dược của Việt Nam đã rất tiến bộ và nhạy bén. Một kỷ nguyên mới không ai có thể phủ nhận, một kỷ nguyên chúng ta làm chủ công nghệ, sản xuất những loại test kit cao cấp phục vụ chẩn đoán. 

Thực tế, không chỉ riêng ở dịch SARS năm 2003 hay COVID-19 vừa qua, mà nhiều nghiên cứu, kỹ thuật… được thực hiện bởi các y, bác sĩ Việt Nam đã gây được tiếng vang. Vậy thế mạnh nổi bật của y tế Việt Nam là gì thưa ông?

- Là một cán bộ làm việc trong ngành y tế đã hơn 30 năm, tôi nhận thấy y tế Việt Nam có rất nhiều thế mạnh, mà chính trong đợt chống dịch COVID-19 vừa qua đã thể hiện nổi bật thêm.

Có thể kể đến một vài thế mạnh nổi bật về con người, đội ngũ y, bác sĩ nói chung có tinh thần trách nhiệm cao, sáng tạo, yêu nghề. Trình độ tay nghề cao, nhất là những kỹ thuật mang tính tinh tế, chuyên sâu. 

Mặt khác, công bằng mà nói, đầu tư cho y tế trong khoảng 15 năm và nhất là 5 năm trở lại đây là rất tốt. Hầu hết các bệnh viện từ tuyến tỉnh trở lên, cả ở tư nhân, hệ thống máy móc, thiết bị đã đạt trình độ quốc tế.

Ngoài ra, y học của chúng ta trải qua thực tiễn bệnh tật phong phú, cộng thêm với sự đào tạo, huấn luyện tương đối bài bản nên trình độ tay nghề, tính chuyên nghiệp được nâng cấp rõ rệt.

Vì sao mất hàng tỉ USD mỗi năm để chữa bệnh ở nước ngoài?

Chúng ta đã có rất nhiều thành công đáng ghi nhận, nhưng tại sao nhiều người Việt Nam vẫn chọn cách ra nước ngoài chữa bệnh, thưa ông?

- Trên thực tế, hàng năm vẫn có rất nhiều người Việt Nam ra nước ngoài chữa bệnh. Tôi từng nghe có con số thống kê cho thấy khoảng 2-3 tỉ USD đã “chảy” ra nước ngoài để điều trị bệnh. 

Nguyên nhân là do chúng ta đã tiến bộ về mặt khoa học kỹ thuật, nhưng làm dịch vụ chưa tốt, chưa thuận tiện, chưa chuyên nghiệp và hiệu quả. Đây là điều thấy rõ nhất, một thói quen đã đeo bám cả thời kỳ bao cấp tới tận bây giờ.

Vài năm trở lại đây khi tôi tham gia Đại biểu Quốc hội, có điều kiện giám sát ở nhiều tỉnh thành, tôi thấy việc này đang được cải thiện, đó là điều đáng mừng. 

Một nguyên nhân khác, chúng ta đang bị gò bó bởi chính sách, nhất là chính sách về bảo hiểm y tế, về quy định của pháp luật trong khám chữa bệnh. Vấn đề này còn chưa đạt được sự thông thoáng, mềm dẻo và hiệu quả. 

Những người có tiền, họ không chỉ cần chữa bệnh mà cần cả sự thoải mái, tính hiệu quả, được dùng thuốc tốt, cao cấp, chẩn đoán nhanh, điều trị chóng khỏi để rút ngắn thời gian chữa bệnh vì thế mà vẫn muốn ra nước ngoài chữa bệnh.

Giải pháp chính là nỗ lực thay đổi những hạn chế nêu trên. Các chính sách về y tế cần phải đổi mới, thông thoáng và nhất là phải cập nhật, kịp thời.

Thu hút người nước ngoài đến Việt Nam chữa bệnh

Một bước tiến xa hơn, làm thế nào để chúng ta ngoài “giữ chân” người Việt thì còn thu hút người nước ngoài về chữa bệnh?

- Tôi xin khẳng định là đã có nhiều người nước ngoài về Việt Nam chữa bệnh. Các chuyên khoa như phụ sản, phẫu thuật, răng hàm mặt, đông y, nội tiết, đặc biệt phẫu thuật nội soi tuyến giáp, rồi ghép tế bào gốc… đang được rất nhiều người nước ngoài lựa chọn. Viện phí của chúng ta cũng thấp hơn nhiều so với các nước nên đó là lợi thế không nhỏ.

Tất nhiên con số này vẫn chưa lớn, so với một số nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Malaysia… họ thu hút được người nước ngoài về chữa bệnh rất nhiều. 

Về mặt giải pháp, tôi cho rằng, ngoài những điều đã nêu trên thì chúng ta cần hoàn thiện hơn về mặt chính sách, về luật khám chữa bệnh cho người nước ngoài, làm sao để cho họ được thụ hưởng những loại thuốc tốt nhất, những xét nghiệm hiện đại nhất mà ở đây chúng ta hoàn toàn làm được. 

Tôi cũng cho rằng phải mở rộng khám chữa bệnh tư nhân, chủ trương xã hội hoá và tiếp tục hoàn thiện dịch vụ khám chữa bệnh. 

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn