MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cần Thơ: Nối mạch máu không cần kim chỉ cứu sống bàn tay bị đứt lìa

Ánh Nhiên LDO | 08/10/2021 16:18

Ngày 8.10, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ) vừa phẫu thuật xuyên đêm khâu nối mạch máu không cần kim chỉ cứu sống bàn tay bị đứt lìa, phục hồi lại giải phẫu chức năng cho một bệnh nhân 17 tuổi.

Trước đó, ngày 1.10, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ  tiếp nhận bệnh nhân nam T.Đ.K, sinh năm 2004 ở An Giang. Bệnh nhân được tuyến trước chuyển đến với tình trạng vết thương đứt lìa bàn tay phải ở vị trí cổ tay, chéo vát từ nếp gấp cổ tay đến khớp bàn ngón 5, vết đứt sắc gọn, nhiều dị vật. Bệnh nhân được sơ cứu, truyền dịch, giảm đau tại bệnh viện địa phương và chuyển viện ngay trong đêm cùng với bàn tay phải được bảo quản cẩn thận. Các bac sĩ đã phẫu thuật xuyên đêm suốt 6 giờ để khâu nối phục hồi lại toàn bộ giải phẫu cho bàn tay bị đứt lìa, bao gồm: Cố định xương, khâu nối mạch máu, thần kinh, gân gấp, gân duỗi.

Đội ngũ y, bác sĩ đang thực hiện phẫu thuật cho bệnh nhân.

Khi khâu nối mạch máu, các bác sĩ sử dụng kỹ thuật nối mạch bằng Coupler (dụng cụ bấm nối vi phẫu 2 đầu mạch máu không cần dùng chỉ khâu). Nhờ áp dụng kỹ thuật này nên thời gian khâu nối mạch máu được rút ngắn, phục hồi tưới máu bàn tay được sớm hơn, tập trung thời gian để khâu nối thần kinh, gân gấp, gân duỗi.

Sau khi khâu, nối bàn tay đã hồng ấm trở lại.

BS.CK2 Huỳnh Thống Em - Giám đốc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ) cho biết: “Vi phẫu nối chi thể bị đứt lìa khá phức tạp, các thao tác nối lại rất khó, cần sự khéo léo, tập trung cao độ, phẫu thuật viên phải có kinh nghiệm dày dặn để phẫu thuật vi phẫu. Ở trường hợp này bệnh nhân đã được sơ cứu ban đầu tốt từ tuyến trước. Phần chi bị tổn thương của bệnh nhân đã được băng ép, cầm máu, phần bàn tay bị đứt được bọc kín trong túi nylon và cho vào chậu nước đá và chuyển đến bệnh viện sớm. Để chi thể bị đứt rời sống được và phục hồi tốt chức năng thì yêu cầu của cuộc phẫu thuật là phải khôi phục lại tất cả các thành phần bị đứt như: kết hợp xương, khâu nối gân cơ, và đặc biệt là phải khâu nối lại các mạch máu, thần kinh”.

Hiện tại, tình trạng bệnh nhân đã ổn định.

Chiều 8.10, bàn tay phải của bệnh nhân đã hồng ấm, các ngón tay có thể cử động nhẹ. Bệnh nhân được được theo dõi và điều trị tiếp tại Trung tâm Chấn thương chỉnh hình. Trong thời gian tới, bệnh nhân sẽ được đánh giá và tập vật lý trị liệu để phục hồi dần chức năng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn