MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hình dị vật trên phim X-quang thẳng, nghiêng. Ảnh: Bệnh viện Nhi đồng 1.

Cảnh báo liên tục, trẻ vẫn hóc sặc dị vật gây nguy hiểm tính mạng

Thanh Thanh LDO | 26/02/2023 06:44

TPHCM - Các bệnh viện nhi trên địa bàn thành phố liên tục đưa ra các cảnh báo về việc tiếp nhận và điều trị nhiều trường hợp trẻ hóc sặc dị vật. Tuy vậy, vẫn có không ít trường hợp trẻ hóc sặc dị vật gây nguy hiểm tính mạng. 

Mới đây, Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận trường hợp dị vật đường thở ở bé trai L.H.K (15 tháng tuổi, Tây Ninh). Cách nhập viện 2 ngày, trẻ đang ngậm móc khóa trong miệng, người nhà phát hiện cố gắng lấy ra nhưng không được, bé ho, sặc sụa, sau đó khò khè.

Tại bệnh viện, chụp X-quang ghi nhận dị vật cản quang trước cột sống ngực lệch phải, ngang mức đốt sống T3-T5. Sau nội soi, tình trạng sức khỏe của bé đã ổn, không còn khò khè và ăn uống bình thường.

Bên cạnh đó, nhiều trường hợp trẻ cũng nhập viện điều trị nuốt các dị vật gây ảnh hưởng sức khỏe. Bệnh viện Nhi đồng Thành phố vừa phẫu thuật lấy hạt nở phình to khoảng 2x3cm gây bít đường ruột của trẻ N (13 tháng tuổi, TPHCM). Trẻ may mắn thoát nguy cơ thủng ruột, giảm nguy cơ nhiễm trùng nhiễm độc toàn thân và hồi phục đường tiêu hóa sớm, xuất viện ổn định sau mổ.

Bác sĩ khuyến cáo hạt nở gặp nước sẽ nở to gấp nhiều lần so với lúc ban đầu. Nếu nuốt phải hạt nở, trẻ không chỉ có nguy cơ gây tắc ruột mà còn bị bít đường thở nếu hạt nở rơi vào đường hô hấp, gây tử vong.

Cũng trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã tiếp nhận và thực hiện nội soi lấy dị vật cho nhiều bệnh nhi. Hầu hết nạn nhân đều dưới 4 tuổi, chủ yếu bị hóc các loại hạt như hạt dưa, hạt hướng dương, hạt điều,…

Dù đã được cứu chữa thành công song rất cần phụ huynh quan tâm và thực hiện đúng các xử trí ban đầu, hạn chế thao tác sai có thể gây nguy hiểm và nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện.

Bác sĩ Đoàn Thị Thanh Hồng - khoa Hô hấp 1 Bệnh viện Nhi đồng 2 lưu ý dị vật đường thở là một tình huống cấp cứu thường gặp ở trẻ em, đặc biệt ở trẻ nhỏ bởi nguy cơ đe dọa đến tính mạng do dị vật làm tắc nghẽn đường thở, dẫn đến thiếu oxy. 

Phụ huynh có thể nhận biết trẻ bị hóc dị vật với biểu hiện ho sặc sụa dữ dội, khó thở. Một số trẻ có biểu hiện hoảng loạn hoặc ra dấu hiệu bị nghẹn ở cổ đối với trẻ lớn. Nếu dị vật gây tắc nghẽn hoàn toàn đường thở, trẻ sẽ có biểu hiện suy hô hấp, tím tái, ngưng tim.

Ngay lúc này, phụ huynh cần bình tĩnh và thực hiện lần lượt các thao tác gồm vỗ lưng, ấn ngực (đối với trẻ dưới 2 tuổi) và thủ thuật Heimlich (đối với trẻ trên 2 tuổi). Sau đó, nên đưa trẻ đến bệnh viện để bác sĩ thăm khám hoặc có những phương pháp kiểm tra thêm nếu cần dù trẻ đã nôn ra dị vật.

"Gia đình không nên để trẻ đùa giỡn, quấy khóc trong lúc ăn hoặc cho ăn các loại hạt, đồ chơi có kích thước nhỏ. Tránh tình trạng trẻ cho vào miệng và gặp phải sự cố tương tự" - bác sĩ Thanh Hồng khuyến cáo. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn