MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Uống rượu ngâm động, thực vật tiềm ẩn nguy cơ bị ngộ độc, thậm chí dẫn đến tử vong. Ảnh: Thanh Bình

Cảnh báo ngộ độc do uống rượu ngâm động, thực vật

VĂN THÀNH CHƯƠNG LDO | 05/05/2023 08:43

Nhiều người dân, đặc biệt là người dân ở Tây Bắc có thói quen ngâm rượu với một số loài động, thực vật. Tuy nhiên, việc uống các loại rượu này được cho là lợi bất cập hại, thậm chí bị ngộ độc dẫn đến tử vong.

Tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây ngộ độc

Việc ngâm rượu với động vật, thực vật theo kinh nghiệm dân gian vẫn đang được nhiều người dân áp dụng. Ngoài một số loại rễ, thân, lá được cho là vị thuốc trong y học cổ truyền, người dân còn ngâm rượu với côn trùng, bò sát hay ngâm rượu với cả tay gấu, bào thai động vật... và thậm chí một số con vật được ngâm nguyên cả lông và nội tạng.

Với hầu hết động vật và thực vật được ngâm rượu, người dân thường gắn với những công dụng tốt cho sức khỏe, như: tăng cường sinh lực, bổ thận, tráng dương, tốt cho xương khớp và thậm chí có loại rượu còn được cho là có tác dụng mát gan, giải độc...

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động về vấn đề này, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Điện Biên - ông Nguyễn Trọng Ninh cho rằng, việc ngâm rượu với thực vật và ngâm động vật theo kinh nghiệm và không đúng cách sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ anh hưởng đến sức khỏe con người, trong đó hiện hữu là nguy cơ ngộ độc và nhiễm khuẩn đường tiêu hóa.

Trong y học cổ truyền, một số loại rễ, củ, lá cây... có tác dụng chữa bệnh khi được sử dụng đúng liều lượng, đúng cách và được chỉ định bởi người có kiến thức chuyên môn. "Tuy nhiên, nếu không biết rõ tác dụng của từng loại thì người dân tuyệt đối không nên ngâm rượu vì thảo dược có rất nhiều loại nhìn na ná giống nhau, đặc biệt là rễ cây, nếu không có chuyên môn thì có thể sẽ nhầm bị với độc dược" - ông Nguyễn Trọng Ninh khuyến cáo.

Uống rượu ngâm với động, thực vật tùy tiện có thể dẫn đến các nguy cơ gây nhiễm khuẩn, ngộ độc ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thần kinh, tim mạch, hô hấp. Ảnh: Thanh Bình

Đối với các loài động vật, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Điện Biên cho rằng, hầu hết người dân đều ngâm và chế biến không đúng cách nên có thể dẫn đến các nguy cơ gây nhiễm khuẩn, ngộ độc ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thần kinh, tim mạch, hô hấp, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.

"Rượu ngâm động vật phải có nồng độ cồn tối thiểu là 50 độ mới có khả năng làm tiêu hủy protein. Ngoài ra, với rượu ngâm động vật, nồng độ cồn sẽ bị giảm dần theo thời gian nên chất đạm tiết ra từ động vật có thể bị phân hủy gây nhiễm khuẩn và làm tăng nguy cơ ngộ độc" - ông Nguyễn Trọng Ninh cho biết thêm.

Lợi bất cập hại 

Theo ghi nhận của các bệnh viện trên địa bàn tỉnh Điện Biên, mỗi năm có rất nhiều trường hợp ngộ độc do rượu. Trong đó chủ yếu là các trường hợp uống rượu ngâm không rõ nguồn gốc hoặc cho rằng uống rượu thì có thể ăn các đồ tươi sống như món gỏi (thịt, cá sống) hay tiết canh...

Đầu tháng 2 vừa qua, Bệnh viện Y học cổ truyền Điện Biên đã tiếp nhận 1 bệnh nhân trong tình trạng toàn thần mẩn ngứa và có nhiều vết thâm đen. Nguyên nhân được cho rằng, bệnh nhân đã sử dụng rượu ngâm với thảo dược không rõ nguồn gốc.

Khoa cấp cứu Bệnh viện đa khoa tỉnh Điện Biên thường xuyên phải tiếp nhận các trường hợp bệnh nhân ngộ độc do rượu.

Mới đây, ngày 1.5, Bệnh viện đa khoa tỉnh Điện Biên tiếp nhận 3 bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch, sau đó 1 người được xác định đã tử vong trước khi đưa vào viện. 2 bệnh nhân còn lại trong tình trạng hôm mê sâu phải tiến hành cấp cứu, cho thở máy. Trước đó các bệnh nhân này được xác định là đã uống rất nhiều rượu, trong đó có rượu ngâm với rắn cạp nong.

Bác sĩ Trần Hải Phong, Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện đa khoa tỉnh Điện Biên) cho biết, do các bệnh nhân đã sử dụng rất nhiều loại rượu, trong đó có rượu ngâm với rắn cạp nong và nhộng ong nên khó xác định nguyên nhân ngộ độc do loại rượu nào gây ra. 

"Bản thân các loại rượu người dân sử dụng để ngâm với động, thực vật vốn đã không đảm bảo an toàn, không qua kiểm định và nồng độ cồn thấp nên dù có ngâm với thứ động, thực vật gì thì cũng tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến ngộ độc" - bác sĩ Trần Hải Phong cho hay.

Nói về trường hợp cụ thể này, ông Nguyễn Trọng Ninh - Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Điện Biên cho rằng: "Bản thân rắn hay ong chỉ tiết ra độc tố khi nó con sống, khi đã ngâm rượu thì độc tố không còn phát huy. Tuy nhiên như đã phân tích ở trên thì việc ngâm rượu với động vật không đúng cách có thể dẫn đến ngộ độc ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thần kinh, tim mạch, hô hấp".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn