MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cảnh báo tâm lý "trước sau gì cũng mắc COVID-19"

NGUYỄN LY LDO | 10/01/2022 07:00

TPHCM – Hiện nay, nhiều người dân có tâm lý chủ quan "trước sau gì cũng mắc COVID-19". Tuy nhiên, theo các chuyên gia khuyến cáo, khi mắc COVID-19, người bệnh có thể đối mặt nhiều nguy cơ chuyển biến nặng hoặc nếu vượt qua cũng gặp ít nhất 1 triệu chứng hậu COVID-19, trong số 200 triệu chứng đã được thế giới công bố.

Tính từ đầu mùa dịch tới nay, TPHCM vẫn là địa phương có số ca mắc COVID-19 cao nhất cả nước. Hiện nay, ghi nhận trung bình mỗi ngày có khoảng 600 ca mắc mới mỗi ngày. Với số ca giảm như hiện nay, thành phố đang ở cấp độ 1 là vùng xanh với nguy cơ thấp sau 6 tháng khống chế dịch.

Tuy nhiên, đứng trước số ca giảm, nhiều người đã có tâm lý chủ quan "trước sau gì cũng mắc COVID-19" điều này đã vô tình tạo tâm lý chủ quan phòng dịch trong cộng đồng và nhiều hệ lụy về sức khỏe hậu COVID-19. 

 Chị N.T.P đang thực hiện cách ly, điều trị COVID-19 tại nhà. Ảnh: NVCC

Chị N.T.P (28 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận TPHCM) do tính chất thường xuyên phải đi lại, làm việc tiếp xúc với nhiều người nên cũng đã chuẩn bị tâm lý có thể nhiễm COVID-19 bất cứ lúc nào. Cách đây 5 ngày, chị P. đã trở thành F0 và tự điều trị tại nhà.

“Tôi biết trước sau gì cũng trở thành F0, thành phố mở cửa, mọi người tiêm vaccine nhiều nên chuyện nhiễm là khó tránh khỏi, chỉ có những người có bệnh lý nền mới lo lắng. Đồng thời, lúc chưa nhiễm COVID-19, tôi cũng đã mua thuốc dự trữ sẵn ở nhà để cần khi nhiễm rồi”, chị P. chia sẻ.

Ở chung căn hộ chung cư với chị P., chị N.T.K.L (30 tuổi, quận Phú Nhuận TPHCM) cũng cùng suy nghĩ. Bởi theo chị K.L, sau quá trình TPHCM có nhiều người nhiễm, chị đã có chút hiểu biết để điều trị tại nhà, COVID-19 không còn đáng sợ như những ngày đầu chị biết.

“Giờ cả nhà tôi tiêm vaccine mũi 3 rồi, nên khi trong nhà có người F0 thì chúng tôi tuân thủ nghiêm ngặt 5K tại nhà, thậm chí không nói chuyện với nhau để hạn chế giọt bắn. Hôm nay, sau 2 lần test thì cả nhà 3 người còn lại vẫn đang âm tính nên hy vọng sẽ ổn. Còn nhiễm thì đón nhận thôi vì cũng khó tránh khỏi khi mở cửa như hiện nay”, chị K.L chia sẻ.

Tâm lý "trước sau gì cũng mắc COVID-19", theo các chuyên gia đây là tâm lý nên được thông cảm nhưng không nên ủng hộ. PGS.TS Đỗ Văn Dũng – Trưởng khoa Y tế cộng đồng, Đại học Y dược TPHCM cho biết: “Khi chúng ta nhiễm COVID-19 thì có một tỷ lệ nào đó từ 5-10% bị hội chứng là hậu COVID-19. Mặc dù theo các nghiên cứu trên thế giới, khi tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ thì giảm nguy cơ hậu COVID-19, nhưng vẫn không giảm hoàn toàn mà chỉ giảm một nửa”.

Bên cạnh đó, người bị nhiễm COVID-19 dù không mắc bệnh nền, không phải người lớn tuổi vẫn có tỷ lệ, dù không nhiều, có thể diễn tiến nặng hoặc chuyển biến xấu. Và với cộng đồng, việc không nên để nhiều người mắc COVID-19 còn có một ý nghĩa quan trọng về yếu tố dịch tễ.

“Khi có nhiều người nhiễm cùng lúc, có khả năng xuất hiện một biến chủng mới. Mặc dù tỷ lệ này không xảy ra nhiều nhưng chúng ta cần thận trọng, tránh ảnh hưởng đến cộng đồng”, PGS.TS Đỗ Văn Dũng nói thêm.

Đồng quan điểm không ủng hộ tâm lý "trước sau gì cũng mắc COVID-19", TS-BS Trương Thị Ngọc Lan, Phó Viện trưởng Viện Y học dân tộc TPHCM cho biết sau tiêm vaccine vẫn có xác suất nhiễm bệnh. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất là khi trở thành F0 sẽ giống như “quả bom nổ chậm” với những người xung quanh. Bởi họ sẽ là nguồn lây, đặc biệt sẽ nguy hiểm đến trẻ dưới 12 tuổi và người lớn tuổi có bệnh nền.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn