MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
GS.TS Nguyễn Anh Trí- Đại biểu Quốc hội - lên tiếng về vụ việc cắt đôi que thử HIV. Ảnh: Quý Nguyễn

Cắt đôi que thử HIV, viêm gan B: Giáo sư đầu ngành huyết học bàng hoàng

Đức Vân LDO | 11/12/2019 09:57
Để xảy ra vụ việc cắt đôi que thử HIV, viêm gan B là do Bệnh viện Xanh Pôn đã buông lỏng công tác quản lý chất lượng, gồm nhiều hoạt động mua sắm trang thiết bị, sử dụng thiết bị, đánh giá kết quả sử dụng hàng ngày và nhiều công tác khác…

Lên tiếng về vụ việc cắt đôi que thử HIV, viêm gan B vừa bị phát hiện tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội), Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Anh Trí - nguyên Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương, Đại biểu Quốc hội khóa XIV - nhận định: “Đây là sai sót rõ ràng và được cố tình làm sai, có thể gây hậu quả rất nghiêm trọng. Tôi rất bàng hoàng và choáng khi biết thông tin này”.

Giáo sư Nguyễn Anh Trí đánh giá việc cố tình làm sai này gây hậu quả về mặt chuyên môn rất nghiêm trọng. Ông phân tích:

Thứ nhất, trong một thanh kit thử HIV, nhà sản xuất phải tính toán chiều rộng, sâu, dài và qua hàng vạn thử nghiệm mới đưa ra được thông số đó. Từ đó mới có đủ lượng kháng thể để phát hiện kháng nguyên trong mẫu máu, nếu ít hơn sẽ không thể được.

"Việc cắt đôi thanh kit sẽ để lọt các trường hợp có tác nhân gây bệnh. Trường hợp nồng độ thấp sẽ bị bỏ sót, gây nên hiện tượng âm tính giả. Nếu tiếp tục, sẽ có nhiều trường hợp đã nhiễm bệnh nhưng lại có kết quả âm tính"- Giáo sư Trí khẳng định. 

Thứ hai, việc trộn 4 mẫu máu lại với nhau để làm xét nghiệm cũng là một sai sót. Khi trộn, lượng kháng nguyên gây bệnh được pha loãng.

“Khi làm xét nghiệm, rất nhiều trường hợp đã nhiễm bệnh nhưng nồng độ để phát hiện ít quá nên không phát hiện được, tức âm tính giả. Hai cái sai phạm, tức vừa cắt đôi thanh kit vừa trộn máu nhiều người với nhau, phối hợp thì sẽ rất nghiêm trọng. Hành động này tôi đánh giá rất nguy hiểm, làm lọt người nhiễm bệnh, nhất là bệnh nhân HIV” - Giáo sư Trí khẳng định.

Theo vị giáo sư đầu ngành Huyết học, để xảy ra vụ việc như vậy là do Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã buông lỏng công tác quản lý chất lượng, gồm nhiều hoạt động mua sắm trang thiết bị, sử dụng thiết bị, đánh giá kết quả sử dụng hàng ngày và nhiều công tác khác…

“Rõ ràng có sự buông lỏng quản lý, không ai biết hoặc biết sai vẫn lơ đi. Hoặc có người đã làm sai mà không một ai nhắc nhở, cảnh báo để dừng lại. Chứng tỏ công tác huấn luyện đào tạo về chuyên môn, ý thức về xét nghiệm gần như là buông thả” - vị đại biểu quốc hội nhận định. 

"Về việc nhiều bệnh nhân có nguy cơ đã nhận kết quả xét nghiệm sai do cắt đôi que thử xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn trong thời gian qua, việc đi xét nghiệm lại là rất cần thiết" - Giáo sư Trí nói. 

Trước thông tin việc trộn các mẫu máu trong xét nghiệm miễn dịch bán tự động (ELISA) từng được thực hiện trước đây ở nước ta trong thời kỳ khó khăn, nhằm tiết kiệm ngân sách, Giáo sư Nguyễn Anh Trí khẳng định: “Nếu bằng kỹ thuật ELISA, tuyệt đối không được phép trộn mẫu máu để làm xét nghiệm (pool)”.

Đánh giá sai phạm ở Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn gây hậu quả nghiêm trọng, song, Giáo sư Trí cũng cho rằng: “Về mặt chuyên môn, tôi thấy việc xẻ dọc thanh kit, trộn 4 mẫu với nhau để làm một lần rất dễ gặp và hay gặp ở các labo, nếu công tác quản lý chất lượng chưa tốt. Nếu có lòng tham, sẽ có việc này xảy ra”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn