MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bác sĩ khám cho bệnh nhi mắc viêm não Nhật Bản. Ảnh: Thùy Linh

Cậu bé 10 tuổi có nguy cơ liệt nửa người vì mắc viêm não Nhật Bản

Thùy Linh LDO | 28/05/2020 15:33
Bác sĩ Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Trung ương) thăm khám cho cháu bé với đôi chân đang bất động trên giường bệnh, đánh giá tầm vận động 2 chân. Đôi chân của cậu bé gần như bị liệt vì biến chứng của bệnh viêm não Nhật Bản. Người mẹ ngồi bên cạnh, rớt nước mắt vì thương con. 

Bệnh nhi 10 tuổi nhập viện trong tình trạng phù não nặng, giảm vận động, liệt nửa người. Sau quá trình điều trị tích cực chống phù não, bệnh nhi đã tạm ổn định, hiện đang được tập phục hồi chức năng.

Trao đổi với phóng viên ngày 28.5, TS.BS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Y học lâm sàng các Bệnh Nhiệt đới Trẻ em (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, mùa hè là mùa cao điểm viêm não Nhật Bản, rơi vào khoảng tháng 5- 7.

"Từ đầu năm đến nay, Trung tâm tiếp nhận khoảng gần 100 ca viêm não, trong đó có hai ca viêm não Nhật Bản còn lại viêm não do các loại virus khác. Hiện tại, Trung tâm đang điều trị cho cháu bé 10 tuổi mắc viêm não Nhật Bản là một ca rất nặng"- bác sĩ Lâm nói. 

Theo bác sĩ Lâm, các nghiên cứu số liệu cho thấy, viêm não Nhật Bản có tỷ lệ ca mắc đứng hàng đầu tại Việt Nam trong số các ca viêm não, tình trạng bệnh lý đều nặng nề. Hầu hết các trẻ mắc viêm não đều chưa được tiêm phòng hoặc tiêm phòng không đầy đủ.

Đôi chân của cháu bé có nguy cơ liệt. Ảnh: Thùy Linh

Thông thường, sau khi tiêm đủ ba mũi phòng viêm não Nhật Bản, trẻ phải tiêm nhắc lại 3-5 năm cho đến khi 15 tuổi. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp đã lớn lại bỏ qua mũi tiêm nhắc lại này.

"Ca bệnh nhi 10 tuổi đang nằm ở trung tâm chúng tôi đã tiêm đủ 3 mũi nhưng mũi 3 cách mũi 2 hơi dài (cách hai năm). Đồng thời, từ đó đến nay bệnh nhi không tiêm nhắc lại. Đó là trường hợp điển hình của tiêm không đầy đủ và không nhắc lại theo đúng phác đồ của Bộ Y tế đề ra”, bác sĩ Lâm chia sẻ. 

Bác sĩ Lâm chia sẻ với phóng viên. Ảnh: Thùy Linh

Bác sĩ Lâm cho biết tùy mức độ rối loạn ý thức của bệnh nhân mà thể hiện bệnh nặng hay nhẹ. Những di chứng của viêm não virus nói chung rơi vào 25-40%, nặng khiến trẻ mất chức năng vận động, nằm tại chỗ và gần như phải có người chăm sóc suốt đời, nhẹ là động kinh, điếc, kém giao tiếp.

"Những trẻ có biểu hiện co giật, liệt khu trú để lại di chứng nặng nề hơn. Với di chứng nhẹ, sau đó trẻ có thể phục hồi nhưng với di chứng nặng, nếu trẻ có thể phục hồi thì cũng chỉ đạt được mức độ trẻ tự phục vụ sinh hoạt cá nhân”, BS Lâm cho hay.

Những dấu hiệu để cha mẹ phân biệt được giữa sốt virus với sốt do viêm màng não đó là: Sốt virus có triệu chứng sốt, nôn, đau đầu nhưng sốt do viêm màng não thường sốt rất cao, cấp tập 1-2 ngày, đau đầu nhiều, thường nôn vọt không liên quan đến bữa ăn. Đáng chú ý là trẻ viêm não cũng kèm theo rối loạn ý thức từ ngủ gà, lơ mơ, li bì, thậm chí hôn mê.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn