MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. Ảnh: Hải Nguyễn

Chậm trả kết quả xét nghiệm, hỗ trợ y tế có thể khiến dịch lây lan nhanh

Phạm Đông LDO | 15/12/2021 14:49

Chậm trễ hỗ trợ y tế và trả giấy xét nghiệm COVID-19 có thể khiến dịch bệnh lây lan. Theo quy định, những vi phạm về phòng chống dịch COVID-19 như vậy có thể bị xem xét trách nhiệm, thậm chí bị xử lý hình sự nếu hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. 

Hà Nội liên tiếp đạt hơn 10.000 mẫu xét nghiệm/ngày

Như Lao Động đã đưa tin, một trường hợp F0 sinh sống tại chung cư HH3A Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai đã bị "bỏ quên" khiến cả nhà lây bệnh. Sau gần 1 tuần mắc COVID-19, các trường hợp này vẫn phải tự chiến đấu với dịch bệnh tại nhà.

Theo chính quyền địa phương, những trường hợp này chưa được đưa đi cách ly bởi vẫn phải chờ chính xác kết quả xét nghiệm bằng PCR từ Trung Tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội. Bởi trước đó, trong ngày 14.12, trường hợp F0 khác của phường (CDC công bố) được đưa đến khu cách ly tập trung nhưng phải quay về do không còn chỗ.

Đây không phải là địa phương đầu tiên của Hà Nội chậm trễ trong việc lấy mẫu, trả kết quả xét nghiệm và đưa người dân đi cách ly. Theo ghi nhận của Lao Động, tình trạng này cũng xảy ra ở một số quận khác như Thanh Xuân, Ba Đình... khi người dân phải chờ từ 3-4 ngày mới có kết quả xét nghiệm.

Nguyên nhân được giải thích là do số ca mắc tăng cao, các trường hợp F1, F2 nhiều dẫn tới quá tải cho lực lượng y tế. Điển hình như công bố sáng 15.12 của Sở Y tế cho thấy, trong ngày hôm qua, toàn thành phố xét nghiệm 15.006 mẫu, phát hiện 900 trường hợp dương tính.

Cụ thể, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội thực hiện xét nghiệm 9.902 mẫu, phát hiện 517 trường hợp dương tính; các bệnh viện xét nghiệm 5.104 mẫu, phát hiện 383 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.

Trước đó 1 ngày, toàn thành phố xét nghiệm 12.641 mẫu, phát hiện 762 trường hợp dương tính. 

Tuy nhiên, việc chậm trễ này có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, tỉ lệ F1 chuyển thành F0 cũng từ đó mà tăng theo. Không những vậy, hành vi thiếu trách nhiệm trong phòng chống dịch còn được xem xét dưới góc độ pháp luật.

Một điểm cách ly y tế trên địa bàn quận Đống Đa, Hà Nội. Ảnh: Phạm Đông

Chuyên gia y tế PGS.TS Nguyễn Huy Nga cho rằng, việc chậm trễ như vậy khiến công tác phòng chống dịch phụ thuộc hoàn toàn vào ý thức người dân. Nếu họ không chấp hành, đi lại tự do thì nguy cơ lây nhiễm sẽ rất cao. Ông Nga cũng nêu ra việc quá tải của hệ thống y tế cơ sở hiện nay khi số ca mắc liên tục tăng cao, ngành y tế phải vừa lấy mẫu xét nghiệm, vừa truy vết và hỗ trợ điều trị F0…. 

Tuy nhiên, ông cũng đưa ra quan điểm không phải vì như vậy mà chính quyền sở tại có thể ngó lơ việc này. Đặc biệt, mới đây Bộ Y tế cho phép Hà Nội xác định F0 khi có kết quả test nhanh kháng nguyên dương tính, thay vì xét nghiệm PCR mang giá trị khẳng định. Việc này cần sớm áp dụng để tránh việc quá tải cho CDC.

Mức xử phạt người có trách nhiệm vi phạm phòng, chống dịch COVID-19 thế nào?

Ngày 30.3.2020, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao đã có công văn số 45/TANDTC-PC hướng dẫn xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19; Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017). Áp dụng điểm 1.10 của công văn, người được giao nhiệm vụ thực hiện các công việc để phòng chống dịch bệnh nhưng không triển khai hoặc triển khai không kịp thời, không đầy đủ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như chết người, làm lây lan dịch bệnh... thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 360 Bộ Luật hình sự năm 2015.

Theo đó, mức phạt tù tối đa đến 12 năm và còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Phân tích về vấn đề này, TS, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, hiện nay ở Hà Nội và một số địa phương có tình trạng chậm xét nghiệm, chậm trả kết quả đối với những người nghi mắc COVID-19. Có thể nguyên nhân là thiếu cán bộ, số ca nghi nhiễm gia tăng dẫn đến quá tải trong một số khâu. Tuy nhiên, vấn đề này cần phải xem xét chấn chỉnh kịp thời để tránh trường hợp lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Trường hợp các cơ sở y tế, các địa phương, khu vực thiếu lực lượng nhân lực thì cần phải báo cáo kịp thời tránh trường hợp những người nghi nhiễm bệnh không được phát hiện, khoanh vùng, cách ly kịp thời dẫn đến dịch bệnh lây lan, gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân và của Nhà nước.

Theo ông Cường, trường hợp phát hiện cán bộ nào buông lỏng, thiếu trách nhiệm, không thực hiện đúng, không thực hiện hết chức trách nhiệm vụ được giao dẫn đến dịch bệnh lây lan, ảnh hưởng đến tính mạng sức khỏe, tài sản của nhân dân thì cần phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Bởi trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện nay thì việc thực hành hiện chức trách nhiệm vụ của người thi hành công vụ, đặc biệt là lực lượng phòng chống dịch bệnh có ý nghĩa quan trọng trong việc kiểm soát, đầy lùi dịch bệnh.

Do đó, mọi hành vi chậm trễ, thực hiện không đúng, không đầy đủ chức trách nhiệm vụ của mình hoàn toàn có thể gây ra những thiệt hại đến tính mạng và tài sản của nhân dân, thiệt hại đến tài sản của nhà nước (chi phí phòng, chống dịch bệnh).

Luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn luật sư TPHCM) cũng cho rằng, việc tuân thủ các quy định về phòng chống dịch COVID-19 đều xuất phát từ ý thức, nhận thức của tổ chức, cá nhân, được thực hiện trên nguyên tắc có lý, có tình.

Tuy nhiên, khi ý thức, nhận thức đó không tuân thủ đúng tinh thần phòng, chống dịch bệnh, gây thiệt hại cho xã hội thì việc áp dụng chế tài mạnh và kịp thời là rất cần thiết. Trên thực tế, đã có không ít cán bộ, đảng viên bị phê bình, kiểm điểm hoặc kỷ luật do vi phạm nguyên tắc nêu gương, thậm chí, không chỉ cán bộ mà cả người dân vẫn bị khởi tố do vi phạm về phòng chống dịch.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn