MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bệnh viện tại Đồng Nai có cơ sở vật chất hiện đại nhưng đang thiếu nguồn bác sĩ chất lượng cao. Ảnh: PV

“Chê” bệnh viện tỉnh, bệnh nhân ùn ùn lên TPHCM chữa bệnh

HÀ ANH CHIẾN LDO | 30/04/2019 17:11

Mặc dù tỉnh Đồng Nai đã đầu tư mạnh mẽ về cơ sở vật chất y tế, xây dựng bệnh viện hiện đại mang tầm vóc khu vực, cũng như nhiều máy móc tối tân, nhưng số lượng bệnh nhân chuyển lên TPHCM vẫn tăng cao từng năm.

Điều này không chỉ khiến áp lực quá tải tại các bệnh viện ở TPHCM cũng tăng theo mà còn khiến các bệnh viện tại Đồng Nai mất nguồn thu lớn từ các dịch vụ y tế và bị đặt dấu hỏi về chất lượng khám chữa bệnh.

Bệnh nhân chuyển viện tăng chóng mặt

Chị Nguyễn Thị Nhân (ngụ TP.Biên Hòa, Đồng Nai) có con trai 2 tuổi nhưng mỗi khi con bệnh, chị đều cho con lên bệnh viện Nhi đồng TPHCM để chữa trị, mặc dù bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai rất gần. “Đưa con lên TPHCM chữa trị khiến tôi luôn cảm thấy yên tâm hơn rằng con mình sẽ được chữa trị đúng bệnh, đúng thuốc” - chị Nhân chia sẻ.

Theo Sở Y tế tỉnh Đồng Nai: Số lượt bệnh nhân chuyển lên tuyến trên TPHCM điều trị trong năm 2016 là hơn 266.000 lượt bệnh nhân, năm 2017 con số này là 330.000 lượt bệnh nhân, và năm 2018 tăng lên hơn 400.000 lượt bệnh nhân.

Bà Nguyễn Lê Đa Hà - Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai - cho biết: Các trường hợp chuyển tuyến là do vượt quá khả năng chuyên môn của bệnh viện và một số bệnh không thuộc chuyên môn kỹ thuật của bệnh viện như: Động kinh, tim bẩm sinh cần phẫu thuật, các loại u, bướu… “Một số trường hợp bệnh nhân điều trị nội trú thời gian kéo dài, gia đình không yên tâm nên muốn chuyển tuyến mặc dù bệnh viện có khả năng điều trị”, bà Hà cho hay.

Tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, mặc dù được đầu tư cơ sở vật chất khang trang, hiện đại với 2 tòa nhà cao tầng gồm cả khám chữa bệnh công và dịch vụ, nhưng lượng bệnh nhân chuyển tuyến vẫn khá cao. Lý giải vấn đề này, ông Ngô Đức Tuấn - Giám đốc bệnh viên đa khoa Đồng Nai - cho rằng: Dù bệnh viện được trang bị nhiều thiết bị hiện đại nhưng Đồng Nai quá gần TPHCM nên việc bệnh nhân chuyển tuyến rất thuận tiện.

“Nguyên nhân khác do bệnh viện hàng ngày tiếp nhận quá đông bệnh nhân với nhiều loại bệnh khác nhau, trong đó có những loại bệnh vượt quá khả năng chuyên môn của bệnh viện. Vấn đề bác sĩ có tay nghề cao nghỉ việc nhiều cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng khám chữa bệnh của bệnh viện”.

Còn theo ông Phạm Văn Dũng - Giám đốc bệnh viện đa khoa Thống Nhất Đồng Nai, một số bệnh nhân đến bệnh viện chỉ để làm giấy chuyển tuyến.

Trước thực trạng này, ông Phan Huy Anh Vũ - Giám đốc Sở Y tế - nhấn mạnh: “Số lượng bệnh nhân chuyển tuyến ngày càng tăng đồng nghĩa với quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế của tỉnh “chảy” về các bệnh viện ở TPHCM một khoản tiền không nhỏ”. Theo thống kê, năm 2018, thiệt hại từ việc các bệnh nhân xin chuyển tuyến là gần 700 tỉ đồng.

Do thiếu hụt nhân lực chất lượng cao

Về vấn đề trên, ông Ngô Đức Tuấn chia sẻ: Nguyên nhân chính của việc bệnh nhân chuyển tuyến là thiếu hụt nhân lực. Bởi dù được đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại đến đâu nhưng không có con người, nhất là bác sĩ có chuyên môn cao thì bệnh nhân vẫn có tâm lý thích chuyển tuyến. “Nhiều phó khoa, trưởng khoa của bệnh viện vẫn xin nghỉ việc. Dù bệnh viện tuyển mới nhiều bác sĩ nhưng đa phần là bác sĩ trẻ, trình độ chuyên môn còn hạn chế” - ông Tuấn nói.

Trong khi đó, ông Phạm Văn Dũng nhìn nhận thẳng thắn rằng, bệnh viện đang thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao. “Phải thẳng thắn nhìn nhận tình trạng bệnh nhân chuyển tuyến tăng là do chuyên môn của bác sĩ chưa đạt. Bệnh viện chúng tôi hiện có hàng trăm bác sĩ nhưng nhiều bác sĩ chưa có kinh nghiệm, một số chuyên khoa khác lại yếu chuyên môn. Các bác sĩ trẻ, cả tay nghề và kỹ năng giao tiếp, tư vấn cho bệnh nhân còn hạn chế cũng khiến cho bệnh nhân thích chuyển lên tuyến trên dù bị bệnh nhẹ và bệnh viện có khả năng chữa trị” - ông Dũng nói.

Ông Phan Huy Anh Vũ đồng tình rằng, nhiều bác sĩ có chuyên môn cao nghỉ việc tại các bệnh viện công bởi nguồn thu nhập thấp. Tuy nhiên, ông Vũ cũng cảnh báo: Hiện nay, một số bác sĩ không nắm rõ những kỹ thuật trong bệnh viện mình làm việc, gây hạn chế trong việc giao tiếp, giải thích với bệnh nhân. Do đó, trong thời gian tới, ông Vũ đề nghị tất cả các bệnh viện trên địa bàn tỉnh cần thực hiện cập nhật lại kiến thức, hiểu biết về bệnh viện cho tất cả các y, bác sĩ trong toàn hệ thống; mở các lớp hướng dẫn tăng cường giao tiếp, giải thích cho bệnh nhân hiểu để hạn chế tối đa tình trạng bệnh nhân chuyển viện mặc dù bệnh tình không nghiêm trọng.

Để hạn chế việc phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, ông Phạm Văn Dũng cho rằng, giải pháp trước tiên và cấp bách nhất chính là giải quyết bài toán nhân sự chất lượng cao. Cần phải có cơ chế, chính sách để tăng thu nhập, giữ chân bác sĩ giỏi ở lại bệnh viện. Bên cạnh đó, bệnh viện sẽ tiếp tục đánh giá mô hình bệnh tật tại bệnh viện, mở thêm một số chuyên khoa mới mà bệnh viện thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân mà hiện chưa có như: Chuyên khoa về ung bướu, tâm thần, điều trị theo yêu cầu của bệnh nhân…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn