MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại một cơ sở y tế tuyến trung ương. Ảnh: Thùy Linh

Chính sách mới về bảo hiểm y tế bổ sung cần được nghiên cứu kỹ

Thùy Linh LDO | 14/10/2023 18:23

Theo các chuyên gia, bảo hiểm y tế bổ sung là một chính sách mới, cần có nghiên cứu thấu đáo kỹ càng trước khi triển khai, áp dụng vào thực tế.

Bộ Y tế đang đề xuất các quy định về bảo hiểm y tế bổ sung trong dự án Luật Bảo hiểm Y tế sửa đổi.

Theo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), hiện nay trên thị trường bảo hiểm có 50 doanh nghiệp bảo hiểm, trong đó có 31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ và 19 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ. Năm 2022, doanh thu phí bảo hiểm sức khỏe của các doanh nghiệp bảo hiểm là hơn 43 tỉ đồng.

Theo đại diện cục này, trường hợp quy định bảo hiểm y tế bổ sung tại dự thảo Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) cần nghiên cứu bảo đảm không chồng chéo, mâu thuẫn với Luật Kinh doanh bảo hiểm; nghiên cứu, đánh giá khả năng liên kết, hợp tác giữa bảo hiểm y tế xã hội và bảo hiểm y tế thương mại gồm: Khả năng liên kết, hợp tác giữa cơ quan bảo hiểm y tế, cơ sở khám, chữa bệnh và 50 doanh nghiệp bảo hiểm đang kinh doanh bảo hiểm sức khỏe.

Cần phải rõ nội dung liên kết, hợp tác về thiết kế sản phẩm (quy tắc, điều khoản, phí bảo hiểm), cung cấp và chia sẻ thông tin y tế, kết nối, chia sẻ dữ liệu, thông tin về giám định y tế để chi trả quyền lợi bảo hiểm.

Chia sẻ về bảo hiểm y tế bổ sung, bà Nguyễn Khánh Phương, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách y tế đề xuất, khi đưa bảo hiểm y tế bổ sung vào dự thảo Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi), cơ quan xây dựng luật cần phải đưa ra định nghĩa bảo hiểm y tế bổ sung, quy định về hình thức bảo hiểm y tế bổ sung.

Đồng thời, khuyến khích thực hiện bảo hiểm y tế bổ sung bằng việc chi kinh phí mua bảo hiểm y tế bổ sung cho người lao động được hạch toán vào chi phí doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần có chính sách khuyến khích tổ chức bảo hiểm y tế bổ sung hoạt động không vì lợi nhuận.

Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách y tế cho biết: Nghiên cứu tại Việt Nam năm 2020 cho thấy, tác động của bảo hiểm y tế tự nguyện đối với dịch vụ y tế sẽ tăng trung bình 0,178 lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế/người/năm, tăng trung bình 0,172 số lượt khám bệnh/người/năm.

Tác động của bảo hiểm y tế tự nguyện đối với chi trả trực tiếp cho y tế, giảm chi tiền túi khi đi khám chữa bệnh ngoại trú là 25,2%; giảm chi tiền túi khi đi khám chữa bệnh nội trú là 41,4% và giảm tổng số tiền chi tiền túi khi đi khám chữa bệnh là 19,8% - 30,8%.

Tuy nhiên, theo bà Khánh Phương, có một số lưu ý về vấn đề công bằng trong triển khai, thí dụ người có bảo hiểm y tế bổ sung có thể sử dụng nhiều dịch vụ không cần thiết, hoặc được kê đơn thuốc đắt tiền.

Bên cạnh đó, người bệnh mạn tính, có vấn đề sức khỏe có khả năng phát sinh chi phí cao sẽ bị doanh nghiệp cung cấp bảo hiểm y tế bổ sung từ chối bán bảo hiểm hoặc nếu người dân phải mua sẽ phải chấp nhận mức phí rất cao.

Bà Trần Thị Trang - Quyền Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) nhấn mạnh, bảo hiểm y tế bổ sung là một chính sách mới, cần có nghiên cứu thấu đáo kỹ càng.

"Việc ban hành các quy định về bảo hiểm y tế bổ sung sẽ tạo điều kiện môi trường pháp lý cho các doanh nghiệp bảo hiểm, thực hiện cung cấp dịch vụ tốt nhất cho người bệnh, có sự giám sát của Nhà nước"- bà Trang nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn