MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chờ Bộ Y tế bàn giao cơ sở 2 của các bệnh viện để giải bài toán "quá tải"

Kim Nhung - Thiều Trang LDO | 28/07/2022 20:23

Theo lãnh đạo Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cơ sở 2 tại Hà Nam có chủ đầu tư là Bộ Y tế, bệnh viện chỉ tiếp nhận và sử dụng. Hiện bệnh viện đã chuẩn bị tất cả phương án, chờ được bàn giao sẽ triển khai và bố trí các khâu tiếp theo để đi vào sử dụng.

Nghịch lý: Nơi chật kín bệnh nhân, nơi bỏ hoang

Dự án xây dựng cơ sở 2 của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai tại thành phố Phủ Lý (Hà Nam) đồng khởi công xây dựng vào cuối năm 2014, dự kiến hoàn thành vào năm 2017. Sau gần 2 năm chậm tiến độ, đến tháng 10.2018, khu khám bệnh thuộc 2 bệnh viện này mới chính thức được khánh thành. 

Thế nhưng, Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 chỉ hoạt động từ tháng 3.2019 - 3.2020 rồi thông báo tạm thời dừng hoạt động. Khó hiểu hơn, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cơ sở 2 cũng chỉ dừng lại ở "cắt băng" mà chưa từng tiếp nhận bệnh nhân.

Cảnh hoang vắng, xuống cấp của 2 bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức tại Hà Nam.

Trong khi đó, cơ sở 1 tại Hà Nội của hai bệnh viện này đang rơi vào tình trạng quá tải, khiến người bệnh khổ sở. 

Người bệnh từ Lai Châu, Nghệ An... đổ về Bệnh viện Bạch Mai.

Từng hi vọng về một tương lai không phải vượt cả trăm cây số đi khám bệnh, chị Bùi Thị Nhâm (Vũ Thư, Thái Bình) rất thất vọng trước tình trạng bệnh viện "cửa đóng then cài" như hiện nay.

"Căn bệnh thoái hoá khớp gối khiến tôi thường xuyên phải lên Hà Nội thăm khám và điều trị. Tưởng rằng có cơ sở mới tại Hà Nam sẽ tiện đường, tiết kiệm chi phí đi lại, ai ngờ lại dừng hoạt động. Xây xong không hoạt động thì xây làm gì, vừa tốn kém tiền bạc, vừa khiến người bệnh như chúng tôi mừng hụt" - chị Nhâm bức xúc. 

Tương tự hoàn cảnh chị Nhâm, mẹ con chị Kim Anh (TP.Phủ Lý, Hà Nam) cũng tỏ ra thất vọng khi phải dắt nhau lên tận Hà Nội khám bệnh, trong khi cơ sở 2 của các bệnh viện lớn chỉ cách nhà 1km. 

"Tôi phải bắt xe từ 5 giờ sáng đưa cháu lên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức khám bệnh. Chưa nói đến việc phải xếp hàng dài chờ khám, tiền đi lại và ăn uống cũng tốn kém khá nhiều. Giờ chỉ biết vạ vật ở đây, mong sớm có kết quả để kịp chuyến xe về nhà" - chị Kim Anh nói.

Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, người bệnh lê lết chờ khám.

Không thể để lãng phí kéo dài

Theo dõi thông tin đã đăng tải trên Lao Động, ông Phạm Văn Hòa - Đại biểu Quốc hội khóa XV (Đồng Tháp) cho rằng, không chỉ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội mà còn rất nhiều bệnh viện tuyến trung ương khác đang rơi vào tình trạng quá tải.

Theo đại biểu Hòa, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là bệnh nhân nhiều nhưng số giường bệnh được giao ít; cơ sở vật chất, lực lượng bác sĩ không đủ để phục vụ bệnh nhân. Vì vậy, việc xây dựng cơ sở 2 là điều rất cần thiết, cũng chính là phương án tối ưu giúp giảm tình trạng quá tải.

Nhưng thực tế cho thấy, cơ sở 2 của các bệnh viện lớn như Bạch Mai, Hữu Nghị Việt Đức và của nhiều bệnh viện khác trên cả nước đều chung tình trạng "xây xong rồi đắp chiếu", là thực tế rất đáng buồn.

Hai bệnh viện hoang vu không một bóng người.

"Cần nhanh chóng xem xét và đánh giá lại tình trạng của 2 bệnh viện này. Cơ sở vật chất đã đầy đủ chưa, có đội ngũ thầy thuốc hay không? Bệnh viện đã đủ điều kiện đi vào hoạt động chưa?

Nếu đã xây dựng cơ sở khang trang, đẹp đẽ thì cần phân cử đội ngũ y bác sĩ về làm việc, tuyên truyền rộng rãi cho người dân biết để đi vào sử dụng, tránh gây lãng phí kéo dài" - đại biểu Hòa nêu quan điểm.

Đại biểu Quốc hội khóa XV đoàn Đồng Tháp cũng cho rằng, để vận hành tốt cả 2 cơ sở của bệnh viện cần phân tuyến, phân cấp rõ ràng.

"Bộ Y tế cần quy định rạch ròi, rõ ràng. Ví dụ như Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 sẽ tiếp nhận người khám bệnh, bệnh nhân chuyển tuyến từ những tỉnh thành nào? Khi có quy định rõ ràng sẽ giải quyết được tình trạng quá tải" - đại biểu Hòa nói.

Trao đổi với Lao Động về việc cơ sở chính của bệnh viện đông bệnh nhân và đang gặp tình trạng quá tải, vậy cơ sở 2 khi nào đi vào hoạt động? PGS.TS.BS Nguyễn Mạnh Khánh - Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho hay - cơ sở 2 của bệnh viện tại Hà Nam có chủ đầu tư là Bộ Y tế, bệnh viện chỉ tiếp nhận và sử dụng.

"Hiện bệnh viện đã chuẩn bị tất cả phương án, từ đào tạo nguồn nhân lực đến bố trí khu vực nội trú, chờ khi nào được bàn giao sẽ triển khai cũng như bố trí các khâu tiếp theo để đi vào sử dụng" - BS Khánh khẳng định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn