MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chân bệnh nhân sau khi bị cắt cụt. Ảnh: PHONG LAN

Chủ quan nhổ khóe ngón chân út, người đàn ông bệnh tiểu đường phải cắt cụt chân

NGUYỄN LY LDO | 13/06/2024 16:16

TPHCM – Đối với những bệnh nhân có bệnh lý tiểu đường, chỉ một vết thương nhỏ nhưng nếu chủ quan sẽ để lại hậu quả nặng nề.

Ông P.V.H. (69 tuổi, tỉnh Đồng Tháp) bị tiểu đường hơn 20 năm. Hơn 1 tháng trước, ông dùng tay nhổ khóe ngón út chân phải tạo ra vết xước nhỏ. Ông dùng thuốc sát khuẩn bôi và vì không thấy đau nên không để ý nhiều đến vết thương.

3 tuần sau, ông H. ngửi thấy mùi hôi, khi kiểm tra cơ thể thấy bàn chân sưng phù, ngón út có màu đen, rỉ dịch. Ông được con đưa tới bệnh viện gần nhà, bác sĩ chỉ định cắt cụt ngón út. Mặc dù được thay băng, chăm sóc vết thương hàng ngày nhưng vết thương không giảm mà ngày càng nặng thêm. Chỉ trong 3 ngày, 2 ngón chân bên cạnh đã bắt đầu hoại tử theo.

Gia đình đã đưa ông H. nhập viện trong tình trạng sưng, đau khắp bàn chân, ngón út đã bị cắt bỏ, hai ngón cạnh bên có màu đen, bốc mùi hôi kèm đường huyết cao.

Sau hội chẩn liên chuyên khoa, các bác sĩ quyết định cắt bỏ đến 1/3 giữa cẳng chân phải của ông H. để khống chế nhiễm trùng lan rộng lên phía trên cơ thể, giảm nguy cơ cắt cụt thêm sau này.

Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Tuyền - Khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM, phân tích bàn chân chịu sức nặng của toàn bộ cơ thể, do liên tục bị tì đè, cọ xát, tiếp xúc mặt đất thường xuyên nên dễ tổn thương, đặc biệt ở người tiểu đường.

Nếu kiểm soát đường huyết không tốt thì dễ bị biến chứng bàn chân tiểu đường, nhiều người bị giảm hoặc mất cảm giác đau ở bàn chân. Đó là lý do khiến người bị trầy xước hoặc vết cắt… cũng không thấy đau nên chủ quan để vết thương ngày càng nặng, dẫn đến hoại tử.

Trong đa số người bệnh tiểu đường có tổn thương bàn chân, cơ chế sinh lý bệnh ban đầu là mất cảm giác bàn chân. Sự mất cảm giác thường đi kèm với giảm cảm giác rung, mất phản xạ gân gót chân. Các yếu tố dẫn đến cắt cụt chân tùy vào đánh giá tình trạng vết thương và các yếu tố khác như: tình trạng kiểm soát đường huyết, thời gian mắc bệnh tiểu đường, tuổi người bệnh, bệnh thần kinh ngoại biên, bệnh mạch máu ngoại biên.

Chưa dừng lại ở việc cắt cụt, việc chăm sóc vết thương sau cắt cụt chân cũng mất thời gian dài gây tiêu tốn nhiều chi phí, ảnh hưởng tới chất lượng đời sống của người bệnh. Cắt cụt chân khiến tàn phế có thể gây sang chấn tâm lý cho người bệnh.

Người bệnh có thể chủ động khám tầm soát bàn chân khoảng 2 lần/năm nhằm phát hiện những biến chứng bàn chân sớm. Ở người bệnh đã có biến chứng bàn chân cần đi khám theo chỉ định của bác sĩ để có phương pháp xử trí kịp thời, tránh biến chứng loét chân, đoạn chi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn