MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bác sĩ cảnh báo hội chứng hậu COVID-19 ở trẻ em. Ảnh: MOH

Chú ý tình trạng đường hô hấp và hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ hậu COVID

BÁC SĨ CAND TRẦN HOÀNG TIẾN - HỌC VIỆN QUÂN Y LDO | 30/03/2022 17:30

Theo bác sĩ CAND Trần Hoàng Tiến - Học viện Quân y, các biểu hiện hậu COVID-19 ở trẻ em cũng tương tự ở người lớn. Trong đó, cần đặc biệt chú ý về tình trạng đường hô hấp và hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ (MIS-C).

Về tình trạng đường hô hấp

Các triệu chứng đường hô hấp có thể gặp như ho nhiều, ho kéo dài, cảm giác nặng ngực, hụt hơi khó thở. Nhiều trường hợp tái khám sau khi được chụp CT phổi thì đã tổn thương phổi ở mức độ nhẹ.

Do đó, đối với trẻ trên 6 tuổi khi có những dấu hiệu trên thì nên được đo thông khí phổi và khám chuyên sâu.

Đối với trẻ dưới 6 tuổi do chưa có khả năng phối hợp đo thông khí phổi thì phụ huynh thông qua quan sát các hoạt động vui chơi của trẻ để phát hiện các tình trạng hụt hơi, khó thở và giảm khả năng gắng sức của trẻ. Từ đó, đưa trẻ đi khám bác sĩ và được chẩn đoán kịp thời.

Hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ

Cần đặc biệt lưu tâm đến hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ (MIS-C). Bệnh gây tổn thương đa cơ quan như tim, mạch máu và các cơ quan khác. Hiện chưa có nghiên cứu nào chỉ ra các dấu hiệu để biết rằng một trẻ đang mắc COVID-19 có bị MIS-C sau đó hay không.

Vì vậy, sau khi khỏi COVID-19 từ 2-6 tuần, các bậc phụ huynh khi thấy con có các triệu chứng dưới đây nên đưa con đi khám:

- Sốt > 38,5 độ trên 3 ngày;

- Bé đau ngực, đặc biệt ngực trái do tổn thương tim; huyết áp thấp, chóng mặt, thậm chí ngất; khó thở (tần số thở nhanh theo tuổi, bé chơi đùa nhanh mệt, leo cầu thang nhanh mệt); đau bụng, buồn nôn, nôn, đi ngoài; ngủ kém, hay thức giấc, bé giảm tập trung, hay quên, thay đổi tâm trạng;

- Mắt đỏ, xung huyết; niêm mạc họng đỏ xuất huyết, da phát ban; phù tay, chân;

Theo đó, đến bệnh viện các con sẽ được làm xét nghiệm sinh hóa máu, đánh giá các chỉ số viêm, các chỉ số đông máu, chụp x-quang và cắt lớp vi tính lồng ngực đánh giá phổi, siêu âm tim và mạch vành, làm điện tim.

Cách ngăn ngừa hội chứng hậu COVID-19 ở trẻ

Nếu trẻ mắc COVID-19 cần có sự phối hợp toàn diện trên 3 phương diện: Luyện tập; Chế độ ăn uống; Theo dõi và khám hậu COVID-19.

Về chế độ luyện tập: Đối với các trẻ lớn, phụ huynh có thể hướng dẫn con tập thở và các bài tập thể dục nhẹ nhàng và đi bộ, cường độ tăng dần để trẻ kịp thích nghi.

Về chế độ ăn uống: Đối với trẻ nhỏ còn bú thì cần tăng cường bú mẹ vì sữa mẹ là thức uống tốt cho sự phát triển toàn điện trẻ nhỏ; nâng cao hệ miễn dịch và khả năng phục hồi. Đối với trẻ lớn cần xây dựng chế độ ăn đầy đủ và cân bằng dinh dưỡng (rau củ quả, thịt, trứng, sữa…).

Về chế độ theo dõi và khám hậu COVID: Theo WHO, thời gian chẩn đoán hậu COVID là 3 tháng sau khi trẻ mắc các triệu chứng đầu tiên. Tuy vậy, nếu các triệu chứng ảnh hưởng nhiều đến trẻ hoặc trẻ có bệnh nền hoặc mắc COVID mức độ trung bình trở lên thì nên đi khám ngay. Theo đó, trẻ sẽ được khám đánh giá mức độ bệnh, tìm nguyên nhân của các vấn đề hiện tại để có phác đồ điều trị hợp lý.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn