MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thực phẩm bảo vệ sức khoẻ quảng cáo sai sự thật. Ảnh minh hoạ

Chưa xử lý tận gốc được tình trạng vi phạm quảng cáo thực phẩm

Minh An LDO | 08/12/2021 17:56

Các sản phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng chỉ mang tính hỗ trợ. Vì thế, tất cả những quảng cáo về công dụng thần kỳ, gây hiểu lầm là thuốc chữa bệnh đều là những quảng cáo “nổ” vi phạm quy định.

Liên tiếp phát hiện quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khoẻ sai phạm

Theo Cục An toàn thực phẩm, trong thời gian vừa qua trên website https://bacsieva.com/vien-ngam-kanamara đăng nội dung quảng cáo sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Kanamara vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo.

Sản phẩm này do Công ty Dược phẩm Trung ương Viheco (Địa chỉ: Khu Công nghiệp Quang Minh mở rộng, Thị trấn Chi Đông, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội) sản xuất và Công ty Cổ phần Dược phẩm Global (Địa chỉ: Phòng 12b04 tòa C2, Chung cư D’Capitale 224 Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội) công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm.

Cục còn phát hiện trên website https://www.thaoduocgiatruyenvn.top/benh-tieu-duong đăng nội dung quảng cáo sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Đường huyết hoàn Halifa vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo.

Sản phẩm này do Công ty TNHH Dược phẩm Hải Linh (Địa chỉ: Số 119, phố Nguyễn Trãi I, phường Sao Đỏ, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương) sản xuất, công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm.

Cũng theo Cục An toàn thực phẩm, trong thời gian vừa qua trên website  https://dialongbaohuyet.com đăng nội dung quảng cáo sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Bricina địa long bảo huyết vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo.

Sản phẩm này do Nhà máy sản xuất – Công ty TNHH Thương mại Dược phẩm Trang Ly (Địa chỉ: Khu Công nghiệp Nguyên Khê, tổ 61 trị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội) sản xuất và Công ty Cổ phần Dược Vinaphaco (Địa chỉ: Tầng 2, số 500 Trần Khát Chân, phường Phố Huế, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội) công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm.

Một trang khác là http://www.songvuikhoe24h.online/vtv-dua-tin-giai-phap-giam-can-hieu-qua đăng nội dung quảng cáo sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Enzylim vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo.

Sản phẩm này do Chi nhánh TNHH Dược – Mỹ phẩm Đắk Tín (Địa chỉ: Số 8, đường 100, phường Tân Phú, quận 9, thành phố Hồ Chí Minh) sản xuất và Công ty Cổ phần Dược – Mỹ phẩm Gailen (Địa chỉ: Số 11 hẻm 72/73/59 Quan Nhân, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội) công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm.

Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, xử lý theo quy định hiện hành. Kết quả xử lý, Cục An toàn thực phẩm sẽ công khai trên website của Cục tại địa chỉ: https://vfa.gov.vn và cổng công khai y tế tại địa chỉ https://congkhaiyte.moh.gov.vn.

Trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý, Cục An toàn thực phẩm đề nghị người tiêu dùng không căn cứ vào các nội dung quảng cáo sai sự thật trên website nêu trên để quyết định mua và sử dụng sản phẩm nêu trên vì có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế.

Cần sự phối hợp trong kiểm soát quảng cáo thực phẩm chức năng

PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, việc lừa dối quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tác dụng như thuốc chữa bệnh, là những hành vi bất chấp luân thường đạo lý. Vì lợi nhuận mà họ sẵn sàng lừa dối, kể cả những người bệnh đang ở hoàn cảnh cực kỳ khó khăn.

Có nhiều doanh nghiệp quảng cáo sai sự thật, “mượn” danh bác sĩ hoặc cơ sở y tế uy tín để cố tình lừa dối người tiêu dùng… Các thông tin quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên mạng xã hội, cụ thể là facebook hiện nay rất khó kiểm soát. Chính vì vậy, Cục An toàn thực phẩm đã làm việc với cơ quan chức năng và cả facebook để phối hợp giải quyết tình trạng này.

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, tình trạng quảng cáo các sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên facebook diễn ra rất tràn lan. “Chúng tôi ngày nào cũng phải vào kiểm tra, phát hiện rất nhiều quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng nhưng lại khẳng định “trị bệnh”, “dùng một liều là khỏi”, “Đông y trị nhức xương khớp”… Những quảng cáo này lừa dối người tiêu dùng. Đây là nỗi bức xúc không chỉ của cơ quan quản lý mà của rất nhiều người tiêu dùng. Chính người thân của tôi cũng từng bị những quảng cáo “nổ” công dụng thu hút, đã mua và sử dụng thay cho thuốc chữa bệnh”, PGS.TS. Nguyễn Thanh Phong nói.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp sau khi có sự phối hợp của Bộ Thông tin và Truyền thông đã buộc phải tháo gỡ và bị xử phạt theo quy định của pháp luật. “Tuy nhiên, cũng có những website máy chủ đặt ở nước ngoài, hay trên facebook, chúng tôi đã có buổi làm việc với đại diện facebook cùng với Bộ Thông tin – Truyền thông. Hiện tại, phía facebook đã cam kết phối hợp với các cơ quan chức năng Việt Nam để tháo gỡ và đóng các trang website, tài khoản vi phạm. Bộ Y tế cũng thiết lập đường dây nóng với cơ quan quản lý của facebook tại Việt Nam để xử lý nhanh nhất những kiến nghị về vi phạm quảng cáo trên mạng xã hội. Bộ Y tế rất quyết liệt nhưng chúng tôi cần sự phối hợp của các Bộ, ngành, cần sự hợp tác của facebook trong quản lý lĩnh vực này” – PGS.TS. Nguyễn Thanh Phong cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn