MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủng virus SARS-CoV-2 mà Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã phân lập và nuôi cấy trước đó. Ảnh: Viện VSDT TƯ cung cấp

Chủng mới virus SARS-CoV-2 ở Đà Nẵng: Lây lan nhanh, 5% diễn biến nguy kịch

Thùy Linh LDO | 28/07/2020 19:35

Theo các chuyên gia, từ những bệnh nhân mắc COVID-19 ghi nhận được ở Đà Nẵng cho thấy virus SARS-CoV-2 đã biến đổi gen, tăng khả năng bám dính vào cơ thể cũng như khả năng lây nhiễm, làm lây lan nhanh hơn nhưng chưa ghi nhận biến đổi liên quan đến độc lực.

Có thể sẽ có nhiều ca nhiễm

Mới đây, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay, kết quả phân tích nguồn gen của virus từ các bệnh nhân cho thấy đây là chủng virus mới xuất hiện ở Việt Nam. Trước đây Việt Nam đã phát hiện ra 5 chủng virus SARS-CoV-2 khác nhau, đây là chủng SARS-CoV-2 thứ 6.

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã phân tích, giải mã trình tự gene virus SARS-CoV-2 trên mẫu bệnh phẩm các bệnh nhân mắc mới. Kết quả cho thấy, virus SARS-CoV-2 đã biến đổi gen, tăng khả năng bám dính vào cơ thể cũng như khả năng lây nhiễm, làm lây lan nhanh hơn nhưng chưa ghi nhận biến đổi liên quan đến độc lực.

Trao đổi về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Văn Kính - Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương phân tích: Trong tự nhiên, không rõ chủng virus từ đâu về. Trong quá trình lan tràn lên toàn thế giới, con virus này vẫn luôn luôn biến đổi. Bản chất virus SARS luôn luôn đột biến. Vì thế, khó khăn là hiện nay xác định có biến chủng và gần 99 chủng đã được biết đến khi nó lan tràn trên thế giới. Trong số đó, Việt Nam mới xuất hiện 6 chủng virus. 

Theo GS Nguyễn Văn Kính, điều quan trọng nhất có thể xác định được là chủng mới này có độ lây lan nhanh hơn rất nhiều nhưng độc lực so với virus ban đầu không tăng lên. Như vậy, có thể nhiều người nhiễm chủng mới này nhưng sẽ có khoảng 5% trong số đó diễn biến thành nguy kịch. Vì sao ở thế giới vọt lên 1 triệu ca trong 3 ngày và cán mốc hơn 16 triệu và số tử vong đang dần kiểm soát được?

"Chúng ta biết điều đó để cố gắng truy vết, cách ly từ F0 đến F3, cắt đứt đường lây truyền để nó không lây lan nhanh. Những vùng có nhiều bệnh nhân thực hiện phong tỏa tạm thời quy mô nhỏ. Trong địa bàn gần đó phải giãn cách xã hội, tăng cường hoạt động dự phòng đeo khẩu trang thường xuyên, sát khuẩn tay, khuyến cáo người dân không tụ tập đông người"- Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam cho hay. 

Đo thân nhiệt người nhà bệnh nhân tại Đà Nẵng. Ảnh: Hữu Long
Không hoang mang, không sợ hãi, bình tĩnh chiến đấu

Theo vị chuyên gia ngành truyền nhiễm, chúng ta phải xác định khi nào trên thế giới vẫn còn ca bệnh COVID-19 thì bệnh vẫn sẽ lọt vào Việt Nam. Nhưng chúng ta không hoang mang, không sợ hãi mà phải bình tĩnh chiến đấu.

"Chúng ta có kinh nghiệm giai đoạn 1 trong truy vết các ca bệnh. Về phong tỏa, cách ly chúng ta cũng đạt trình độ cao hơn, không cần phải phong tỏa cả nước như một số quốc gia khác trên thế giới. Chúng ta phong tỏa từng vùng có dịch để kiểm soát tình hình, giúp người dân yên ổn”, GS Kính cho hay.

Do khả năng lây lan của chủng virus này rất nhanh, vì vậy, GS Kính cho rằng hơn 80 nghìn người đến Đà Nẵng tháng qua, chúng ta cũng phải truy vết 80 nghìn người này.

Đối với công tác điều trị, những bệnh nhân thở ECMO tiên lượng nặng và cá thể hóa việc điều trị. Tổ công tác đặc biệt xem xét từng ly từng tí một, gỡ rối từng thách thức như chúng ta đã từng cứu chữa cho bệnh nhân 91 nhưng khả năng phục hồi, cứu chữa còn phụ thuộc vào từng cá thể một.

Đơn cử như bệnh nhân số 418 mắc COVID-19 nặng vừa mắc bệnh tiểu đường, vừa tăng huyết áp là những bệnh nền, vì vậy việc chữa trị sẽ khó khăn hơn rất nhiều, cộng thêm bệnh này thở máy, toan hô hấp rất nặng. Còn ca nặng hơn là bệnh nhân 416 đến nay hiện đã duy trì chạy tim phổi nhân tạo ECMO tốt.

"Càng nhiều ca chạy ECMO việc cung ứng máy móc và nhóm chuyên gia thực hiện cũng là vấn đề. Chúng ta phải dồn sức, cần sự điều phối quyết liệt nhanh chóng của Ban chỉ đạo và Tiểu ban Điều trị, chỗ nào chưa cần dùng EMCO thì chuyển cho chỗ cần. Chúng ta không thể nói một cách duy ý chí là sẽ cứu được hết nhưng luôn là cố gắng cứu chữa cho các bệnh nhân với hiệu quả cao nhất"- GS Kính chia sẻ. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn