MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhân viên y tế cắt đôi que thử xét nghiệm. Ảnh chụp màn hình từ phóng sự điều tra của VTV24

Chuyên gia: Cắt đôi que thử HIV, viêm gan B sẽ gây hậu quả nghiêm trọng

Đức Vân LDO | 10/12/2019 09:32

"Trong 40 năm trong nghề, tôi chưa từng nghe tới việc cắt đôi que thử HIV và viêm gan B. Tôi cũng không dạy ai làm việc đó. Lần đầu tôi nghe tới sự việc như vậy" - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Nghiêm Luật, nguyên Trưởng khoa Hóa sinh, Đại học Y Hà Nội nói.

Chuyên gia ngành sinh hóa tỏ ra vô cùng bất ngờ trước vụ việc gian lận xét nghiệm HIV xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội), khi nhân viên y tế đã phù phép "bẻ đôi" hàng loạt que thử HIV và viêm gan B nhằm trục lợi, tăng số lượng que thử mẫu máu của bệnh nhân. 

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Nghiêm Luật cho rằng, để có kết quả xét nghiệm chính xác, kỹ thuật viên phải tuân thủ theo quy định của nhà sản xuất, tức một mẫu xét nghiệm chỉ được dùng một que thử.

Theo vị phó giáo sư này, việc làm này sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng, đây là một hành vi không thể chấp nhận được. "Việc trộn các mẫu máu quá nhiều trong một giếng hóa chất theo tiêu chuẩn sẽ không cho kết quả chính xác. Để có kết quả đúng, kỹ thuật viên phải tuân thủ theo đúng quy định của hãng sản xuất dụng cụ xét nghiệm"- Phó Giáo sư Nguyễn Nghiêm Luật nói. 

Ông khẳng định, mọi sự cải tiến đều phải có cơ sở khoa học và kết quả. Nếu muốn cắt đôi que thử trong xét nghiệm thì trước đó phải có nghiên cứu và thực chứng bằng kết quả, để tránh việc chẩn đoán sai cho người bệnh. 

Trước đó, theo thông tin điều tra của VTV24, tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, để test nhanh HIV với viêm gan B, bệnh nhân được y tá lấy mẫu máu làm xét nghiệm. Khi đã có mẫu máu của khoảng vài chục bệnh nhân, một nhân viên y tế sẽ mang từ phòng lấy mẫu sang khu xét nghiệm tại tầng 2 nhà A3 để tiến hành phân tích.

Tại Khoa Vi sinh của Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, sau khi bóc lớp giấy bảo vệ ra khỏi que thử, nhân viên dùng kéo cắt que thử ra làm đôi, vệt kéo cắt vào giữa vị trí của vạch hóa chất xét nghiệm. Với thao tác này, 1 que thử dành cho 1 bệnh nhân đã được tách làm 2.

Với phương pháp xét nghiệm này, mỗi ngày có hàng chục bệnh nhân ra về với kết quả trên tay mà không hề biết rằng chỉ có một nửa số vật tư y tế được sử dụng để các kỹ thuật viên làm xét nghiệm. Trong khi đó, số tiền xét nghiệm lại vẫn phải đóng đủ theo quy định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn