MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. Ảnh: Bộ Y tế

Chuyên gia lý giải vì sao Ấn Độ bùng dịch COVID-19

Thùy Linh LDO | 28/04/2021 16:16

Theo các chuyên gia, trên thế giới đã ghi nhận một số trường hợp ở Hàn Quốc và Nhật Bản, Mỹ sau khi khỏi COVID-19, đi du lịch tới vùng khác, quay về lại có bệnh cảnh lâm sàng COVID-19 và xét nghiệm ra chủng virus mới.

Đang giải trình tự gene 4 chuyên gia Ấn Độ

Bên lề hội nghị trực tuyến của Bộ Y tế với 63 tỉnh, thành phố ra mắt Ban Chỉ đạo An toàn tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 và tập huấn hướng dẫn xử trí sự cố bất lợi sau tiêm chủng vaccine COVID-19, PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn điều trị COVID-19, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cho biết: Hiện ca mắc COVID-19 là lễ tân khách sạn ở Yên Bái và đoàn chuyên gia Ấn Độ, đang điều trị ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2. Sức khỏe của các bệnh nhân này đến thời điểm hiện tại đều ổn định, chưa có trường hợp nào phải thở máy.

"Chúng tôi đang tiến hành giải trình tự gene của 4 chuyên gia Ấn Độ để xem họ bị nhiễm chủng B.1.1.7 hay chủng kép B1.617 để tăng cường phòng vệ và có thông tin đầy đủ cho cán bộ y tế tập trung điều trị" - ông Nguyễn Văn Kính nói.

PGS Nguyễn Văn Kính cho hay, cả thế giới đang chú ý đến biến chủng kép là B1.617 từ Ấn Độ, biến chủng đầu tiên của nó là B.1.1.7 từ Anh đã thấy rõ mức độ lây lan rất nhanh, tăng hơn 70% so với chủng ban đầu.

Hiện bệnh nhân với chủng kép này, mức độ lây nhiễm còn nhanh hơn, nhưng chưa có số liệu thống kê cụ thể. Hiện đã có sự lây lan của biến chủng này sang các nước khác.

"Có nhiều lý do gây ra tình trạng số ca tử vong ở Ấn Độ tăng cao, trong đó, các nhà chuyên môn đang nghiên cứu về độc lực của chủng mới xem có nặng nề, nguy hiểm hơn không", PGS Nguyễn Văn Kính nhận định.

Vì sao Ấn Độ tiêm phòng vẫn bùng dịch?

Ấn Độ đã tiêm phòng vaccine COVID-19 cho nhiều người nhưng số ca mắc vẫn ở mức cao, thậm chí, nhiều người tiêm phòng vẫn mắc bệnh, ông Nguyễn Văn Kính cho rằng, vấn đề này liên quan đến miễn dịch cộng đồng.

Ấn Độ có 1,3 tỉ dân nhưng mới tiêm vaccine cho 130 triệu người (khoảng 10% dân số). Trong khi muốn có miễn dịch cộng đồng do tiêm vaccine thì ít nhất 2/3 dân số phải được tiêm đầy đủ các mũi vaccine mới ngăn được dịch.

Theo ông Nguyễn Văn Kính, đóng góp của vaccine trong phòng, chống COVID-19 là điều đã được khẳng định. Tuy nhiên, hiện nguồn cung vaccine vẫn thiếu và nước ta chưa triển khai tiêm trên diện rộng. Do đó, chiến lược "5K+ vaccine" vẫn phải duy trì, trong đó, đeo khẩu trang, khử khuẩn, không tập trung đông người là điều rất quan trọng.

Trước vấn đề bệnh nhân đã nhiễm chủng biến thể COVID-19 có khả năng tái nhiễm với chủng virus khác không, PGS Nguyễn Văn Kính cho rằng, trên thế giới đã ghi nhận một số trường hợp ở Hàn Quốc và Nhật Bản, Mỹ sau khi khỏi COVID-19, đi du lịch tới vùng khác, quay về lại có bệnh cảnh lâm sàng COVID-19 và xét nghiệm ra chủng virus mới.

"Số trường hợp này không nhiều nhưng điều đó khẳng định, có sự tái nhiễm với chủng virus mới"- ông Kính nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn