MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Virus đậu mùa khỉ. Ảnh: CDC Mỹ

Chuyên gia nói gì về khai báo y tế nhập cảnh để giám sát bệnh đậu mùa khỉ?

Thanh Chân LDO | 28/07/2022 15:56

TPHCM - Liên quan đến kiến nghị việc khai báo y tế nhập cảnh để giám sát bệnh đậu mùa khỉ, PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho rằng việc này là hợp lý nhưng có thể không có hiệu quả thực tế.

TPHCM vừa kiến nghị Bộ Y tế cho phép thành phố thực hiện khai báo y tế đối với tất cả người nhập cảnh tại các cửa khẩu của thành phố nhằm phục vụ sàng lọc sơ bộ tại cửa khẩu đối với bệnh đậu mùa khỉ.

Kiến nghị này được đưa ra căn cứ nội dung tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 23.7 tại cuộc họp lần thứ hai của Ủy ban Khẩn cấp theo Điều lệ Y tế Quốc tế về sự bùng phát dịch đậu mùa khỉ ở nhiều quốc gia.

Trao đổi với Báo Lao Động về vấn đề này, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TPHCM cho hay hiện nay, một số quốc gia cũng đã yêu cầu khai báo y tế, người có triệu chứng được khám sàng lọc. 

Theo đó, TPHCM kiến nghị khai báo y tế đối với người nhập cảnh tại các cửa khẩu của thành phố là hợp lý bởi có thể giảm nguy cơ xâm nhập bệnh đậu mùa khỉ vào địa phương. Tuy nhiên, vị chuyên gia vẫn còn một số băn khoăn về việc này. 

"Tôi quan ngại về tính hiệu quả bởi khai báo y tế còn phụ thuộc vào sự tự giác của từng cá nhân. Đồng thời, không có dấu hiệu khách quan để phát hiện bệnh. Chẳng hạn, vết lở ở cơ quan sinh dục.

Vì vậy, khai báo y tế ít có ý nghĩa thực tế, có thể gây tốn thời gian cho người nhập cảnh" - PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho biết.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh lượng khách đến Việt Nam vẫn chưa nhiều và đợt khai báo y tế phòng chống dịch COVID-19 cũng gây trở ngại cho một số người, thực hiện khai báo y tế có thể ảnh hưởng đến hoạt động du lịch. 

Vị chuyên gia thông tin thêm, đối với tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế, điều quan trọng nhất là có giải pháp đồng bộ.

Trong trường hợp Bộ Y tế đồng ý với kiến nghị của TPHCM, tất cả các cửa khẩu, kể cả cửa khẩu hàng không, cảng biển, đường bộ cũng như các điểm giao cắt không cửa khẩu cũng cần phải kiểm tra.

Để ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh đậu mùa khỉ, PGS.TS Đỗ Văn Dũng nhấn mạnh điều quan trọng nhất là sự nhận thức và cảnh giác của người dân về bệnh này. Những biện pháp phòng, chống dịch đã được WHO, Bộ Y tế khuyến cáo rõ, người dân cần tuân thủ nghiêm. 

Hiện tại các cửa khẩu TPHCM, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM triển khai giám sát thân nhiệt và triệu chứng phát ban có bóng nước cấp tính của tất cả những người nhập cảnh qua đường hàng không, hàng hải nhằm phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ.

Nếu phát hiện trường hợp nghi ngờ, kiểm dịch viên y tế sẽ thăm khám, khai thác thông tin và lập phiếu điều tra dịch tễ.

Từ 1.1 đến ngày 23.7.2022, WHO đã ghi nhận hơn 16.000 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ, trong đó có 5 trường hợp tử vong tại 75 quốc gia và vùng lãnh thổ ở tất cả 6 khu vực của WHO. Hiện Việt Nam được WHO xếp vào nhóm 1 - nhóm quốc gia chưa ghi nhận ca bệnh.

Đậu mùa khỉ ở người có thời gian ủ bệnh từ 5-21 ngày, lây truyền khi tiếp xúc trực tiếp gần, lây qua vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn lớn của đường hô hấp và qua tiếp xúc với các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. 

Cụ thể, các triệu chứng thường thấy là sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh, mệt mỏi, phát ban có thể nhìn giống như mụn nước xuất hiện trên mặt, bên trong miệng hoặc ở các bộ phận khác của cơ thể như bàn tay, bàn chân, ngực, bộ phận sinh dục hoặc hậu môn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn