MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
PGS.TS Trần Đắc Phu. Ảnh: VGP/Đình Nam

Chuyên gia phân tích điều kiện để vaccine giúp khống chế dịch COVID-19 ở VN

Thùy Linh LDO | 23/02/2021 09:00

"Có vaccine COVID-19 thì chúng ta vẫn phải thực hiện các biện pháp chống dịch như hiện nay. Người dân không nên ỉ lại vào vaccine, xuất hiện tâm lý lơ là, chủ quan sẽ rất nguy hiểm"- PGS Trần Đắc Phu cảnh báo.

Quan trọng là phải tiêm cho những đối tượng ưu tiên

Về vấn đề vaccine COVID-19, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng cho rằng chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vào vaccine “make in Việt Nam” bởi hiện tại, mọi thứ vẫn đang tốt, chưa có vấn đề đáng lo ngại. Hơn nữa, Việt Nam có kinh nghiệm trong việc sản xuất vaccine. Vaccine COVID-19 cũng như các loại vaccine khác, sau khi thử nghiệm lâm sàng xong, sẽ cần các thủ tục để được cấp phép lưu hành.

Theo PGS Trần Đắc Phu, có thể trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, thủ tục cấp lưu hành cho vaccine COVID-19 sẽ nhanh hơn, quy trình thủ tục hành chính rẽ được rút gọn. Dù vậy, ông Phu cũng cho rằng, với tiến độ hiện nay, phải cuối năm 2021 sang cuối quý 1.2022 và giữa năm 2022, chúng ta mới có vaccine COVID-19 nội địa để tiêm cho người dân.

Ngoài vaccine trong nước, Việt Nam cũng đã có kế hoạch nhập vaccine COVID-19 từ nước ngoài. PGS Trần Đắc Phu cho hay Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế đang lên kế hoạch triển khai, khi được duyệt sẽ công bố vào thời điểm chính thức có vaccine COVID-19 để tiêm.

"Nguyên tắc là dù vaccine nội hay ngoại cũng đều phải có kế hoach triển khai, từng bước, chứ không phải có vaccine là chúng ta sẽ tiến hành tiêm đại trà ngay"- ông Phu nói.

Trong đó, theo vị chuyên gia này, trước mắt và quan trọng là phải tiêm trên đối tượng ưu tiên trước như nhân viên y tế, bộ đội biên phòng, người có nguy cơ cao, người trong khu cách ly, công an, sau đó là người già, người có bệnh nền... Sau đó, mọi việc diễn biến tốt mới có thể tiêm đại trà.

"Với vaccine nhập khẩu, chúng ta cũng phải làm đúng các thủ tục, làm sao để an toàn và hiệu quả và có các kế hoạch triển khai cụ thể. Về việc người mắc COVID-19 và đã khỏi bệnh có cần tiêm vaccine COVID-19 hay không thì hiện tại chưa trả lời được. Vì COVID-19 là bệnh mới, nhiều vấn đề chưa rõ ràng, đặc biệt là vấn đề sinh và tồn tại của kháng thể, hiện còn đang tiếp tục nghiên cứu"- PGS Trần Đắc Phu nhận định.

Không nên ỷ lại vào vaccine

Trong trường hợp Việt Nam có vaccine ngừa COVID-19 tiêm đại trà cho người dân, thì dịch bệnh có thể được khống chế hay không? Liệu công tác phòng, chống dịch có thể được nới lỏng hay không? Trả lời vấn đề này, Cố vấn Cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các Sự kiện Y tế công cộng đánh giá vấn đề này còn phụ thuộc vào miễn dịch cộng đồng.

"Chúng ta phải đảm bảo 60-70% miễn dịch cộng đồng. Để đạt được điều đó, chúng ta phải tiêm 60-70% dân số và vaccine phải có hiệu lực cao. Mà tiêm được chừng ấy số lượng là điều không dễ. Trên thế giới, chưa có quốc gia tiêm được 60-70% dân số"- ông nói.

Đến nay, theo ông Phu, dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Các quốc gia đã tiến hành tiêm vaccine COVID-19 cũng không dám lơ là, vẫn phải giãn cách, phong tỏa để phòng, chống dịch. "Việt Nam cũng vậy, có vaccine thì chúng ta vẫn phải thực hiện các biện pháp chống dịch như hiện nay. Người dân không nên ỉ lại vào vaccine, xuất hiện tâm lý lơ là, chủ quan sẽ rất nguy hiểm"- PGS Phu cảnh báo.

Chuyên gia này nhấn mạnh người dân cần tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc 5K do Bộ Y tế khuyến cáo.

Chúng ta phải ngăn chặn không để xuất hiện ca mắc trong cộng đồng. Phải ngăn chặn tốt, trường hợp nhập cảnh hợp pháp và bất hợp pháp đều phải cách ly 100% đủ thời gian quy định.

Đồng thời, phải phát hiện sớm ca bệnh, tiến hành cách ly nghiêm ngặt, không để sơ hở, lọt ca bệnh ra bên ngoài. Khi phát hiện thì khoanh vùng, truy vết, dập dịch quyết liệt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn