MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hà Nội hiện chưa cho phép bán đồ ăn tại chỗ.

Chuyên gia y tế: Khi dịch đã ổn Hà Nội nên mở cửa, không đóng mãi được

Thảo Anh - Nguyễn Hà LDO | 05/10/2021 13:32

Theo chuyên gia y tế, Hà Nội không đóng mãi được vì là Thủ đô, là đầu mối của giao lưu, có nhiều công trình kinh tế trọng điểm, vấn đề đi lại của người dân đến Thủ đô rất quan trọng, rồi vấn đề học sinh trở lại trường học…

Hà Nội không thể đóng cửa mãi

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng, tình hình dịch ở Hà Nội vẫn trong tầm kiểm soát. Những ca cộng đồng giảm đi rất nhiều, chỉ ở 1 số ổ dịch nhỏ và số ca bệnh cũng không lớn, việc giãn cách vừa qua đã thành công. Tất nhiên không thể nói là không có ca cộng đồng trong thời gian tới vì Hà Nội vẫn là đầu mối giao lưu.

Ông Phu cho biết, vừa qua, Hà Nội đã khống chế để dịch không bùng phát. Hà Nội đã cấm các hoạt động tụ tập đông người, cấm các hoạt động có nguy cơ từ rất sớm và đó là thành công của Hà Nội.

Nói về việc có nên mở cửa các hàng quán ăn uống kèm theo điều kiện cụ thể hay không, ông Phu cho rằng, đến lúc này khi dịch đã ổn định thì cũng nên mở nhưng cần quy định số người và đặc biệt áp dụng 5K.

"Cần thực hiện nghiêm và tốt 5K, quy định giới hạn về số người, giãn cách trong cửa hàng… Nếu mở cửa hàng mà không quy định về số người thì không thực hiện được 5K, không làm nghiêm thì dịch có thể bùng phát trở lại" - ông Phu phân tích.

Hà Nội vừa qua đã cho phép bán đồ ăn mang về. 

Cũng theo ông Trần Đắc Phu, việc nới lỏng để thực hiện mục tiêu kép là tất yếu. Thủ tướng đang giao cho Bộ Y tế xây dựng Bộ tiêu chí.

"Hà Nội không đóng mãi được vì là Thủ đô, là đầu mối của giao lưu, có nhiều công trình kinh tế trọng điểm, vấn đề đi lại của người dân đến Thủ đô rất quan trọng, rồi vấn đề học sinh trở lại trường học… Tôi nghĩ rằng, ở các vùng, chỉ những vùng phong toả mới phải thực hiện nghiêm ngặt. Các vùng còn lại vẫn có thể nới lỏng từng hoạt động, có phương án cho hoạt động đó như thế nào, sản xuất kinh doanh ra sao, lên phương án mở chợ, phương án mở ăn uống, việc thực hiện an toàn cho khu phố, làng xã… để khi mở dịch vẫn kiểm soát được nhưng không bùng phát lên" - ông Phu nói.

Phòng chống dịch trong bệnh viện phải đặt lên hàng đầu

Theo ông Phu, sau khi nới lỏng giãn cách, việc có dịch ở bệnh viện có thể dự đoán vì bệnh viện là địa bàn có nguy cơ rất cao và bao gồm các đối tượng có nguy cơ cao. Đặc biệt, Việt Đức là bệnh viện tuyến Trung ương, giao lưu nhiều với các tỉnh, kể cả trong nội bộ bệnh viện cũng có sự giao lưu với nhau.

Hà Nội đang tạm phong toả hẹp các địa điểm liên quan đến các ca mắc mới. Ảnh: Tô Thế 

"Việc phòng chống COVID-19 trong bệnh viện phải đặt lên hàng đầu, nguy cơ dịch vào bệnh viện rất phức tạp. Tôi cho rằng, phải thực hiện tốt các quy định của Bộ Y tế và phải quyết liệt hơn, siết chặt hơn vấn đề tiếp đón, phân luồng, xem xét lại quy trình chống nhiễm khuẩn. Làm sao hạn chế tiếp xúc giữa các đối tượng trong bệnh viện. Thường xuyên xét nghiệm định kỳ, đột xuất để nếu có xuất hiện ca bệnh thì cũng không lan mạnh ra cộng đồng để đỡ vất vả và tốn kém và ảnh hưởng đến hoạt động của bệnh viện" - ông Phu cho hay.

Cũng theo PGS.TS Trần Đắc Phu, với các bệnh viện khi xuất hiện trường hợp dương tính phải báo cáo cho y tế địa phương để có phối hợp, tiến hành phong toả dập dịch, cần thông báo cho các địa phương khác nếu có liên quan.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn