MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cán bộ y tế tiêm vaccine COVID-19 cho học sinh. Ảnh: Hải Nguyễn

Có cần thiết tiêm vaccine phòng COVID-19 bao phủ nhóm học sinh?

Thùy Linh LDO | 22/04/2023 18:07

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc, tiêm vaccine phòng COVID-19 vẫn là biện pháp hiệu quả và có ý nghĩa chiến lược trong phòng, chống dịch. Trong bối cảnh dịch COVID-19 có dấu hiệu gia tăng như hiện nay, không ít phụ huynh băn khoăn về việc có nên tiêm vaccine phòng COVID-19 cho con em mình hay không?

Tiêm vaccine phòng COVID-19 là cách an toàn và hiệu quả để bảo vệ sức khỏe cho trẻ em, giúp tăng cường khả năng miễn dịch của trẻ để chống lại COVID-19, hạn chế nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong.

Hiện nay, số ca mắc COVID-19 có xu hướng tăng trở lại trên cả nước với sự xuất hiện của một số biến thể mới của chủng Omicron có khả năng lây lan và khả năng lẩn tránh hệ miễn dịch cao hơn.

Vì vậy, Bộ Y tế khuyến cáo người dân, các bậc phụ huynh, người giám hộ trẻ em nên đưa trẻ từ 5 tuổi trở lên đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch.

Đặc biệt trong công tác tiêm vaccine phòng, chống dịch COVID-19 thì trẻ em có bệnh nền, có nguy cơ cao là đối tượng được ưu tiên đảm bảo tiêm vaccine phòng COVID-19 tại cộng đồng dân cư, các trường học.

Theo bác sĩ Lê Kiến Ngãi, Trưởng Khoa Dự phòng và kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho đến nay, chưa có một bằng chứng khoa học nào khẳng định vaccine phòng COVID-19 ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe trẻ em.

Do đó, các bậc phụ huynh có thể hoàn toàn yên tâm trong việc tuân thủ tiêm chủng “đúng lịch, đủ liều” hiện nay theo khuyến cáo của ngành y tế.

Cũng theo chuyên gia này, trẻ em đã mắc COVID-19 rồi hoàn toàn có thể mắc lại bởi những biến chủng, đặc biệt là những biến chủng mới vẫn đang hiện diện, tồn tại. Các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục tìm hiểu những sự thay đổi của loại virus này trong thời gian gần đây.

Bên cạnh đó, khả năng miễn dịch của người tiêm vaccine hay sau khi mắc bệnh sẽ giảm dần theo thời gian, từ 3 đến 6 tháng, đặc biệt ở nhóm nguy cơ cao như trẻ em, người có bệnh nền và người lớn tuổi.

Chính vì vậy, trẻ em cần được tiêm vaccine theo hướng dẫn của Bộ Y tế để duy trì được hệ miễn dịch. Đây là một trong những biện pháp tốt nhất để bảo vệ trẻ trước các biến thể mới xâm nhập.

Theo nhận định của các chuyên gia y tế, tại nhiều địa phương, dịch chồng dịch vẫn là nguy cơ đe doạ gây quá tải hệ thống y tế. Bởi số ca mắc sốt xuất huyết vẫn còn đang ở mức cao, số ca mắc cúm cũng ngày càng tăng, trong khi số ca mắc COVID-19 nhập viện do đa số chưa tiêm vaccine hoặc chưa tiêm đủ mũi bổ sung.

Vì vậy, người dân nói chung và trẻ em nói riêng cần tiêm vaccine để đảm bảo sức khỏe và kiểm soát dịch COVID-19 bền vững.

Nhằm chủ động các biện pháp phòng, chống và kiểm soát tình hình dịch COVID-19, không để dịch bùng phát, lây lan trong trường học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) yêu cầu các Sở GD&ĐT và các cơ sở giáo dục tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Bộ GD&ĐT yêu cầu tiếp tục tuyên truyền, vận động, rà soát, lập danh sách và phối hợp với cơ quan y tế tại địa phương để thực hiện việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em, học sinh, sinh viên nhằm đạt mục tiêu đề ra của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn