MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khám sức khỏe cho người dân tại Trạm y tế lưu động xã Tân Triều (huyện Thanh Trì, TP.Hà Nội). Ảnh: Bộ Y tế

Có nên "đếm" F0 và đánh giá cấp độ dịch theo số ca mắc mới trong tuần?

Phạm Đông LDO | 06/01/2022 17:15
Hiện tại, số ca mắc mới ở cộng đồng/tuần/100.000 dân đang là 1 trong 3 yếu tố để đánh giá cấp độ dịch tại các địa phương. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, yếu tố này cần sớm được thay đổi, không đặt nặng yếu tố số ca mắc mới hằng tuần.

Hà Nội và các địa phương đang áp dụng 3 tiêu chí đánh giá cấp độ dịch COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế gồm: Các ca mắc mới tại cộng đồng/số dân/thời gian; Độ bao phủ vaccine; Đảm bảo khả năng thu dung, điều trị của cơ sở khám chữa bệnh các tuyến.

Hầu hết địa phương đều có tỉ lệ bao phủ vaccine cao nên việc đánh giá cấp độ dịch ảnh hưởng rất lớn bởi tiêu chí ca mắc cộng đồng và khả năng thu dung, điều trị. Trong đó, số ca mắc mới tại cộng đồng/100.000 người/tuần (ca mắc mới) được phân theo 04 mức độ từ thấp đến cao theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (mức 1: 0 - < 20; mức 2: 20 - <50; mức 3: 50 - <150; mức 4: ≥150). Các địa phương có thể điều chỉnh giảm hoặc tăng số ca mắc mới trong từng mức độ cho phù hợp với tình hình thực tế.

Tại Hà Nội, thành phố có ngày thứ 4 liên tiếp có hơn 2.000 bệnh nhân COVID-19/ngày. Hiện Hà Nội có 2 địa phương vượt 5.000 ca mắc/ngày là Hoàng Mai và Đống Đa. Trong khi đó, tỉ lệ ca chuyển nặng và tử vong của thành phố thấp hơn so với các địa phương khác.

Về việc có nên đếm F0, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng - Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội - cho rằng, Hà Nội vẫn nên duy trì việc đếm số ca, mặc dù F0 tăng cao. Việc đếm số ca cũng giúp người dân ý thức hơn trong việc phòng, tránh dịch bệnh COVID-19. Hơn nữa, việc đếm số ca mục đích để biết được mức độ dịch ra sao.

Hiện nay, số ca mắc COVID-19 mới là 1 trong 3 yếu tố chính nằm trong tiêu chí đánh giá cấp độ dịch. Thế nhưng, chuyên gia y tế cho rằng, để đánh giá cấp độ dịch trong tình hình mới, cần thay tiêu chí ca mắc cộng đồng bằng tiêu chí giảm tỉ lệ bệnh nhân nặng, giảm bệnh nhân nhập viện và tử vong. 

Bởi theo chuyên gia, với diễn biến dịch bệnh hiện nay, tiêu chí đánh giá số ca nhiễm mới trên 100.000 dân một tuần không còn quá quan trọng. Xu hướng hiện nay là tập trung đánh giá tỉ lệ bệnh nhân nặng, nhập viện, tử vong và tình hình đáp ứng thu dung, điều trị của các địa phương để đánh giá tình hình dịch bệnh.

Trong đó, các địa phương khi đánh giá cấp độ dịch càng chia nhỏ càng tốt, tới từng cụm dân cư, từng khu phố... để có biện pháp nhỏ gọn, hiệu quả, đặc biệt làm sao chăm sóc y tế tiếp cận được người dân. Để đáp ứng được điều đó, địa phương cần nâng cao năng lực đáp ứng điều trị, đặc biệt cần nỗ lực cung ứng thuốc, đặc biệt thuốc gói C, trong đó có Mulnopiravir.

Bảng phân loại cấp độ dịch COVID-19.

PGS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng - đồng ý kiến về việc đếm số ca bệnh COVID-19 với mục đích để biết được mức độ dịch ra sao.

Về việc Hà Nội có nên tiếp tục đếm ca bệnh hay không, PGS Huy Nga cho rằng, với tỉ lệ tiêm 2 mũi vaccine tại Hà Nội, đa phần các trường hợp mắc không có triệu chứng hoặc nhẹ. Đây là tiền đề để Hà Nội có thể xem xét việc không cần đếm số ca F0 không có triệu chứng và không cần truy vết.

Theo ông, 2 thành phố lớn vẫn cần phải duy trì đếm số ca bệnh có triệu chứng, số ca bệnh nặng để biết được mức độ trầm trọng của dịch bệnh.

Còn việc không đếm số ca bệnh không có triệu chứng chỉ nên thực hiện với các địa phương có số người mắc nhiều và tỉ lệ tiêm vaccine đã cao. Còn đối với các tỉnh, thành phố có số ca mắc thấp thì vẫn cần phải đếm số ca bệnh để biết mức độ dịch.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn