MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Coi nhẹ dinh dưỡng khi mắc bệnh, nhiều bệnh nhân thoi thóp điều trị

NGUYỄN LY LDO | 29/10/2022 10:30

TPHCM – Dinh dưỡng trong y khoa vô cùng quan trọng, bởi người bình thường để đảm bảo dinh dưỡng đã khó thì với những người có bệnh lý trong người càng khó hơn. Nhiều bệnh nhân nhập viện với tình trạng sức khoẻ suy kiệt, nguy cơ tử vong vì suy dinh dưỡng cao hơn là vì bệnh. 

Bệnh nhân N.V.N (45 tuổi, ngụ tại TPHCM), cách đây 5 tháng được chẩn đoán mắc bệnh ung thư dạ dày giai đoạn cuối nên quyết định tự điều trị tại nhà và sử dụng phương pháp ăn chay với hy vọng khối ung thư không phát triển. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau bệnh nhân nhập viện trong tình trạng suy kiệt sức khoẻ, nằm thoi thóp trên giường bệnh.

Bệnh nhân sẽ được kiểm tra dinh dưỡng thường xuyên khi nhập viện. Ảnh: LN

Các bác sĩ tại Bệnh viện Quân y 175 tiến hành hội chẩn và Khoa Dinh dưỡng phối hợp đưa ra một phác đồ dinh dưỡng nhằm hỗ trợ bệnh nhân hồi phục sức khoẻ. Sau khoảng 2 tháng điều trị, cơ thể bệnh nhân đã có thể đáp ứng tốt với các cuộc điều trị ung thư dạ dày tiếp theo. 

Không chỉ có bệnh nhân N, ông H.V.T (56 tuổi, ngụ TPHCM) nhập viện trong tình trạng bị ngã nên tụ máu, có bệnh nền viêm phổi, tăng huyết áp phải thở khí quản. Lúc này để cung cấp dinh dưỡng cho bệnh nhân các bác sĩ đã phải mở một đường ống thông thẳng vào dạ dày, đo từng lượng mỡ, nước trong cơ thể mới có thể phối hợp tốt cho bệnh nhân hồi phục. 

Thạc sĩ Y khoa Lê Thị Thu Hà - Trưởng Khoa dinh dưỡng, Bệnh viện Quân y 175 cho biết, đa phần bệnh nhân liên quan đến dinh dưỡng đều nhập viện trong tình trạng nặng và có bệnh lý kèm theo. Đối với người bệnh dinh dưỡng vô cùng quan trọng, khi dinh dưỡng đầy đủ sẽ tăng sức đề kháng, làm lành vết thương nhanh, giảm thời gian nằm viện, điều trị nhanh hơn và các khoa cận lâm sàng điều trị tốt hơn. 

Nếu những bệnh nhân không chú trong điều trị dinh dưỡng, thời gian điều trị chắc chắn kéo dài và làm tăng bệnh lý. Trong công tác chăm sóc dinh dưỡng cho người bệnh, việc liên quan đến bệnh lý, cân đối các vitamin, vi chất, năng lượng cho từng bệnh lý rất quan trọng. 

“Như bệnh nhân đái tháo đường chế độ dinh dưỡng cần giảm đường. Còn bệnh nhân thận thì giảm đạm. Đường, đạm, chất béo… tất cả cần được chúng tôi cân đối theo từng bệnh lý và sức khoẻ của mỗi bệnh nhân, không ai giống ai”, thạc sĩ Thu Hà chia sẻ thêm. 

Hiện nay, dinh dưỡng trong chữa bệnh chưa được đưa vào BHYT, người bệnh phải tự xuất kinh phí của mình ra để điều trị.

“Chúng tôi thường phải làm tư vấn cho bệnh nhân rất kỹ để bệnh nhân hiểu được tầm quan trọng của dinh dưỡng đối với cơ thể. Tuy nhiên, người nghèo thì không có tiền để tham gia điều trị, còn người có tiền thì họ thường tự ý mua những món ăn họ thích và cho nó là bổ, phù hợp. Bệnh nhân hoàn toàn không biết dinh dưỡng cho người bệnh là đặc biệt, kỹ càng từng chất trước khi cho vào cơ thể”, thạc sĩ Thu Hà nói. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn