MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bác sĩ Bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 số 14. Ảnh: Nguyễn Ly

Cuộc chiến khốc liệt tại Trung tâm hồi sức COVID-19 nặng ở TPHCM

Nguyễn Ly LDO | 10/09/2021 08:22

Ở trong những Trung tâm hồi sức tích cực bệnh nhân COVID-19 nặng, chưa bao giờ lằn ranh giới giữa sự sống và cái chết lại gần đến vậy. Nhiều bệnh nhân, để có thể thở được bình thường khi chuyển nặng là cả một quá trình nỗ lực của các y, bác sĩ và bệnh nhân.

Bệnh viện Trưng Vương TPHCM. Ảnh: Nguyễn Ly

Ngày và đêm là một

Tại Khoa D, Bệnh viện Trưng Vương TPHCM, trong không gian phòng bệnh hầu hết là bệnh nhân phải thở oxy, máy móc chạy không ngưng nghỉ để đo được sự sống. Cả bác sĩ và bệnh nhân ở đây đều rất mệt mỏi nhưng không ai kêu than một lời, bởi chỉ cần lơ là, tinh thần giảm sút thì cửa tử sẽ đến gần hơn đến với bệnh nhân.

Bác sĩ CKII Từ Quốc Thanh, Trưởng Khoa D, Bệnh viện Trưng Vương TPHCM chia sẻ: "Đã 2 tháng nay, tôi trực tiếp tham gia điều trị cho những bệnh nhân nhiễm COVID-19 ở đây, là một trong những bệnh viện tuyến cuối, áp lực khi chứng kiến một khối lượng bệnh nhân quá đông. Trong 33 năm làm nghề y, tôi chưa bao giờ trải qua một áp lực lớn nặng nề, gian khổ như vậy. Và cũng chưa bao giờ chứng kiến nhiều bệnh nhân tử vong như vậy".

Dù ngày hay đêm, các bác sĩ ở đây vẫn làm việc miệt mài để duy trì được trạng thái ổn định tâm lý bước vào trận chiến không hề dễ dàng này. Được giao nhiệm vụ điều trị 100 giường bệnh, nhưng khoa D luôn tiếp nhận trên 100 bệnh nhân. Để đảm bảo công tác điều trị, một tua trực sẽ có 5 điều dưỡng và 2 bác sĩ, riêng ca sáng sẽ có 3 bác sĩ làm việc để kịp thời khám và cho cấp thuốc sớm đến các bệnh nhân.

Thời gian đầu, hầu hết lực lượng y tế đều chưa có kinh nghiệm vì là bệnh mới, nhưng phải tiếp nhận một số lượng bệnh nhân quá lớn, có nhiều bệnh nhân trở nặng đột ngột, không thể cứu được khiến nhiều bác sĩ cảm thấy rất áp lực, đôi lúc là bất lực.

"Khoa tôi đang làm việc đã có 4 bệnh nhân tử vong, chưa kể nhiều bệnh nhân khác do thiếu máy thở, chúng tôi buộc phải chuyển bệnh nhân xuống khoa Cấp cứu, khoa Hồi sức tích cực và bệnh nhân cũng đã mất ở khoa bạn. Bất lực, hối tiếc, cảm giác buồn khó tả… là những gì mà hầu hết lực lượng y tế sẽ trải qua khi có bệnh nhân tử vong", Bác sĩ Quốc Thanh chia sẻ thêm.

Để đảm bảo được sức khỏe cho trận chiến dài này, sau khoảng 4 tuần làm việc liên tục, các bác sĩ ở đây sẽ được thực hiện lấy mẫu xét nghiệm trong vòng 5 ngày, nếu âm tính thì sẽ được trở về nhà nghỉ hơn 1 tuần. Và đây cũng chính là những giây phút hiếm hoi họ được thở không qua lớp khẩu trang và đồ bảo hộ.

Vượt qua nỗi sợ

Trung tâm hồi sức Bệnh viện Trung ương Huế đặt tại Bệnh viện dã chiến số 14 TPHCM, hiện điều trị cho 300 bệnh nhân COVID-19, trong đó có 230 ca phải thở máy, thở oxy dòng cao và có bệnh nền.

Lượng bệnh nhân ở đây được chuyển từ các bệnh viện tuyến dưới và đều là bệnh nhân nặng. Để có thể làm việc được trong môi trường áp lực và nguy hiểm này, các bác sĩ được điều động vào đây cũng đã từng chống dịch ở Bắc Giang, Đà Nẵng, Hải Dương… Kinh nghiệm điều trị COVID-19 là có, nhưng vượt qua nỗi sợ khi ở tâm dịch TPHCM thì nhiều bác sĩ phải cố gắng mỗi ngày.

Bác sĩ Bùi Đức An Vinh, Bệnh viện Trung ương Huế chia sẻ: “Đối với những bác sĩ đã có thâm niên trong nghề, đối mặt với số ca tử vong lớn trong những ngày qua, nhiều bác sĩ tối về sẽ mất ngủ nhưng có thể vượt qua nhanh chóng, còn với những bác sĩ hoặc tình nguyện viên mới thì khả năng phục hồi tâm lý lâu hơn”.

Cũng theo chia sẻ của các bác sĩ, một trong những yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng điều trị, thứ nhất là những bệnh nhân chuyển viện đều có bệnh lý nền nặng, khả năng điều trị vô cùng khó khăn. Thứ 2 là số lượng bệnh nhân nhập viện cùng lúc lớn dẫn đến nhiều áp lực trong công tác điều trị.

“Một bác sĩ tham gia điều trị trung bình từ 15-20 bệnh nhân và có sự hỗ trợ của điều dưỡng. Để đảm bảo công tác điều trị được tốt, các bác sĩ luôn phải trong tư thế sẵn sàng cấp cứu cho bệnh nhân. Khi có bệnh nhân trở nặng, báo động đỏ sẽ được bật lên, các bác sĩ sẽ tập trung cho bệnh nhân đó và làm hàng loạt các thao tác cấp cứu, hồi sức như: ép tim, sử dụng thuốc liều cao… với hy vong phục hồi lại nhịp tim cho bệnh nhân, những lúc đó rất căng thẳng”, Bác sĩ An Vinh chia sẻ thêm.

Ngoài công tác điều trị, các bác sĩ ở đây cũng hỗ trợ tư vấn cho người nhà bệnh nhân nắm được tình hình người thân. Hàng trăm cuộc gọi mỗi ngày được kết nối, đó cũng là sợi dây tinh thần giúp họ vượt qua nỗi sợ và lo lắng cho người thân đang điều trị COVID-19.

Bằng cái tâm và tinh thần chiến đấu của lực lượng y bác sĩ, hy vọng cuộc chiến này sớm kết thúc, để nỗi sợ không còn hiện hữu ở bất cứ nơi nào, đặc biệt là những khu vực điều trị COVID-19.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn