MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bác sĩ, điều dưỡng viên Khoa Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa trong cuộc chiến chống virus COVID-19. Ảnh: PV

Cuộc chiến thầm lặng của hơn 20 y, bác sĩ chống virus COVID-19

Quách Du LDO | 26/02/2020 10:35
Sau khi tiếp nhận bệnh nhân nhiễm virus COVID-19, hơn 20 bác sĩ, điều dưỡng viên Khoa Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã tập hợp, sẵn sàng cho “cuộc chiến” chống loại virus này.

Dù được trang bị các thiết bị phòng hộ, tuy nhiên, sau khi tiếp nhận một bệnh nhân nhiễm virus COVID-19, hơn 20 bác sĩ, điều dưỡng viên tại Khoa Bệnh nhiệt đới không khỏi lo lắng, bởi đây là một bệnh truyền nhiễm mới và chưa có phác đồ điều trị. Sau khi ca bệnh được chữa khỏi, niềm vui như vỡ òa. Tuy nhiên, ít ai biết rằng những câu chuyện, những hy sinh thầm lặng của các y, bác sĩ để có được thành quả đó.

Cuộc tập huấn cấp tốc chiều 30 Tết

Theo Bác sĩ Chuyên khoa I Đỗ Xuân Tiến - Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa - cho biết, vào chiều ngày 30 Tết Canh tý 2020, khoa tiếp nhận 1 bệnh nhân nghi nhiễm COVID-19. “Vào chiều ấy, là chiều cuối năm, mọi người đang tất tả ngược xuôi, mong sớm về nhà để ăn bữa cơm cùng gia đình, tuy nhiên, khi tiếp nhận bệnh nhân (qua xác định dịch tễ, bệnh nhân này có thể đã nhiễm COVID-19), nên tất cả các bác sĩ, điều dưỡng (gồm 25 người) được huy động đến khoa, sẵn sàng điều trị cho bệnh nhân, sẵn sàng ứng phó dịch bệnh” - bác sĩ Tiến nói.

Bác sĩ Tiến cho biết thêm, ngay sau đó, một cuộc tập huấn cấp tốc cho toàn khoa đã được triển khai, tại đây, hầu hết các “chiến sĩ blu trắng” được hướng dẫn chuẩn bị từ vật tư, đồ dùng bảo hộ khử khuẩn, xử lý chất thải và cách điều trị cho bệnh nhân. “Cuộc tập huấn diễn ra hằng giờ đồng hồ và hầu hết mọi người đều quên đi rằng, thời khắc giao thừa đang sắp tới” - bác sĩ Tiến nhớ lại.

Điều dưỡng Trần Thị Dung (46 tuổi) - Khoa Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa - cho hay, với những người làm trong ngành Y thì trực Tết là một nhiệm vụ và luôn coi đó là công việc đặc thù. Trải qua rất nhiều lần trực Tết, lần này, với chị trực chiều 30 Tết Canh tý 2020, là một ngày trực đáng nhớ nhất kể từ khi chị bước chân vào ngành Y.

“Chiều đó, vào khoảng 15 giờ, tôi cùng các bác sĩ, điều dưỡng khác nhận được thông báo, chuẩn bị tiếp nhận chị N.T.T (24 tuổi, trú tại huyện Yên Định), 1 ca bệnh nghi nhiễm COVID-19. Đến khoảng 17 giờ cùng ngày, bệnh nhân nhập viện. Lúc đó, không những tôi mà các y, bác sĩ tại khoa có phần lo lắng, do đây là ca đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa nghi nhiễm COVID-19 và chưa có phác đồ điều trị cũng như thuốc đặc trị” - điều dưỡng Dung chia sẻ.

Điều dưỡng Dung cho biết thêm, sau khi tiếp nhận bệnh nhân, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo bệnh viện, tất cả khoa khẩn trương triển khai các công việc như sắp xếp các phòng cách ly, chuẩn bị phương tiện theo dõi, vật tư và các bảo hộ y tế, để theo dõi, điều trị cho bệnh nhận. Thời điểm này, dường như mọi người đã quên cái Tết đang cận kề.

Những hy sinh thầm lặng

Theo điều dưỡng Dung, chị chưa bao giờ tiếp xúc, điều trị trực tiếp cho một ca bệnh nào đặc biệt như vậy. Thời gian chị ở bệnh viện, tiếp xúc với bệnh nhân là chủ yếu và ít khi về nhà. Đến khi bệnh nhân N.T.T có kết quả dương tính với COVID-19, hơn 20 bác sĩ, điều dưỡng của khoa đều tự ý thức rằng, mình có thể là nguy cơ lây nhiễm cho người thân, đồng nghiệp và xã hội, nên tất cả phải tự cách ly và ít khi về nhà.

“Thậm chí, mỗi khi về nhà, tôi luôn mang trên mình những đồ bảo hộ và tiếp xúc với ai, tôi luôn giữ khoảng cách đủ an toàn. Riêng chồng và 2 người con, đã phải di tản tạm thời về nhà nội trong những ngày Tết, để hạn chế tiếp xúc ” - điều dưỡng Dung tâm sự.

Cùng chung tâm trạng, điều dưỡng Lê Thị Thu Hải (32 tuổi, Khoa Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa) cho biết, những ngày trực tại viện, không những chị tránh tiếp xúc với mọi người, mà chính mọi người cũng tránh tiếp xúc với chị.

“Trong những ngày Tết, nhìn mọi người đi chơi, cùng với gia đình vui vầy mà thấy tủi thân. Tuy nhiên, cảm giác ấy chóng qua, tôi lại tiếp tục với công việc, an ủi bản thân và khẩn trương điều trị cho bệnh nhân, những người đang rất cần đến chúng tôi” - điều dưỡng Hải chia sẻ.

Với cương vị là lãnh đạo khoa, Bác sĩ Chuyên khoa I Đỗ Xuân Tiến cho biết, trong 4 ngày Tết Canh Tý 2020 và thậm chí những ngày tiếp sau, ông luôn túc trực ở khoa, theo sát diễn biến của bệnh nhân và động viên tinh thần cho các y, bác sĩ. 

Niềm vui vỡ òa

Theo bác sĩ Tiến, sau 10 ngày cách ly, theo dõi và điều trị, kết quả xét nghiệm cho thấy nữ bệnh nhân N.T.T. (24 tuổi, trú tại huyện Yên Định) dương tính với COVID-19, sức khỏe trở lại bình thường và xuất viện.

“Đây là một trong những ca bệnh đầu tiên bị nhiễm COVID-19 được điều trị khỏi tại Việt Nam, đây không những là niềm vui của ngành Y tế Thanh Hóa nói riêng mà còn là cả nước nói chung” - bác sĩ Tiến nói.

Ông Lê Văn Sỹ - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa - cho biết, việc điều trị thành công cho bệnh nhân N.T.T là do thực hiện đúng phác đồ điều trị của Bộ Y tế. Ngoài ra, việc phát hiện, cách ly và điều trị sớm sẽ giúp bệnh nhân nhanh bình phục.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn