MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bé N.G.M và khối bướu trên mặt (ảnh K.Q)

Cứu 2 em bé sơ sinh mang khối bướu nước “khổng lồ”

Khương Quỳnh LDO | 25/09/2015 13:27
Tuy là loại bướu ít gặp ở trẻ, nhưng cùng lúc, có hai em bé sơ sinh mang khối u bướu tân dịch “khổng lồ” ở vùng mặt và cổ rất phức tạp được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM điều trị.

Ngày 25.9, Bác sĩ Th.s, BS Nguyễn Kiếm Mậu, Khoa Sơ Sinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, hai bệnh nhi mang khối bướu đặc biệt này là P.T.N và N.G.M. Bé trai P.T.N sinh ngày 20.7 (ngụ ở tỉnh Vĩnh Long). Sau khi chào đời 1 tuần, bé được đưa đến Bệnh viện Nhi đồng 1 với một khối bướu rất to trên mặtphải. 

Kết quả chụp phim, CT cho thấy khối bướu trên cơ thể cháu là bướu tân dịch. Bướu khá lớn chiếm hết vùng góc hàm, lan xuống lưỡi, bướu đã bị xuất huyết. Khó khăn hơn, cháu bé còn bị bệnh viêm phổi đi kèm, đang phải thở máy, điều trị suy hô hấp, có viêm phổi.

Bé trai thứ hai là N.G.M sinh ngày 12.8 (ngụ ở tỉnh Cà Mau). Khi vừa mới sinh ra, gia đình phát hiện bé mang khối bướu rất to ngay vùng mặt và cổ. Bé được điều trị ở Bệnh viện tỉnh nhưng do tình trạng nặng nên được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 1 vào ngày 9.9. Tại đây, các bác sĩ cho biết, khối bướu thuộc loại bướu tân dịch, có đường kính khá lớn - 7cm. 
Khối bướu ở 2 bé được tạo nên từ những nang nhỏ khá phức tạp và có sự xâm lấn vào các mô, dây thần kinh. Đặc biệt, khối bướu còn bao quanh dây thần kinh số 7. Nếu phẫu thuật bóc tách, dây thần kinh này sẽ bị đứt, gây tình trạng liệt mặt cho bệnh nhi. Do đó, các bác sĩ đã chọn một phương pháp điều trị khác.
Ths.BS Đào Đào Trung Hiếu, Trưởng Khoa Ngoại, Phó GĐ Bệnh Viện Nhi đồng 1 TPHCM cho biết, các bác sĩ sẽ định vị nang chứa nhiều dịch để hút dịch ra khỏi khối bướu. Sau khi hút dịch, khối bướu sẽ được tiêm chất làm xơ hóa để thu nhỏ kích thước và tránh tái phát sau tiêm. Do khối bướu ở 2 em bé quá to nên quá trình này sẽ thực hiện nhiều lần. 

BS Hiếu giải thích thêm, u bướu tân dịch còn có tên gọi khác như u nang bạch mạch, u nang bạch huyết. Trong khối bướu chứa nhiều dịch màu vàng chanh. Bướu có thể có nguyên nhân bẩm sinh hay mắc phải do nhiễm trùng. Ở nguyên nhân bẩm sinh, trong quá trình phát triển thai kì, hệ thống bạch mạch bị tắc, dịch ứ lại, hình thành khối bướu. Bướu có thể xảy ra ở bất kì vị trí nào trên cơ thể. Tuy nhiên, thường gặp nhất là ở vùng cổ và mặt. 

Mỗi năm, bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM tiếp nhận điều trị cho khoảng 10 em bé có tình trạng u bướu tân dịch. Nhiều em bé có khối bướu quá to, đè vào đường thở của bé. Với những trường hợp này, nếu không được phẫu thuật sớm cháu sẽ gặp nguy hiểm tính mạng. Được biết, đầu tháng 7.2015, Bệnh viện Nhi đồng 1 vừa bóc tách khối u tân dịch khổng lồ, diện tích 10x15cm cho một bé gái 15 ngày tuổi thành công. 

Theo Y văn Thế giới, u bướu tân dịch chỉ chiếm 4% các loại u bướu ở trẻ em, trong đó có 50% là trẻ sơ sinh.
Clip: Bác sĩ Nguyễn Kiếm Mậu nói về tình trạng 2 bệnh nhi mang khối u tân dịch.
 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn