MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhân viên y tế hỗ trợ người dân lấy mẫu test nhanh COVID-19. Ảnh: Hải Nguyễn

Đã đến lúc xem COVID-19 là bệnh đặc hữu để xã hội bớt căng thẳng

Thiều Trang LDO | 04/03/2022 19:48

"Khi chúng ta còn xem COVID-19 là đại dịch thì nỗi sợ hãi của người dân vẫn còn bao trùm, gây căng thẳng xã hội. Vì vậy, đây chính là thời điểm Việt Nam nên chuyển trạng thái, xem COVID-19 là bệnh đặc hữu" - bác sĩ Trần Văn Phúc - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn nhấn mạnh.

Người dân khốn đốn, y tế quá tải, công sở thiếu lao động

Những ngày qua, số ca mắc COVID-19 trên cả nước liên tục tăng cao, đỉnh điểm ngày 4.3, riêng Hà Nội ghi nhận thêm gần 21.400 ca nhiễm COVID-19 mới, hơn 2.700 ca so với hôm qua. Trong đó có rất nhiều F0 điều trị tại nhà đang lạc vào "ma trận" đơn thuốc chữa COVID-19. Nhiều công sở lâm vào tình trạng thiếu lao động do F0, F1 tăng nhanh. Đặc biệt hệ thống y tế quá tải, cán bộ y tế căng thẳng, mệt mỏi và chỉ muốn nghỉ việc.

Phát hiện bản thân dương tính với SARS-CoV-2 đã 3 ngày, chị Hạ Thùy Linh (trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) nhận được nhiều đơn thuốc từ bạn bè truyền tay nhau, nhưng chị vẫn băn khoăn không biết chọn loại nào. Vì vậy, chị Linh quyết định lên các hội nhóm, trang mạng xã hội tìm hiểu, thấy rất nhiều người chia sẻ đơn thuốc, rao bán thuốc điều trị COVID-19 khỏi nhanh, khỏi ngay. 

"Mỗi đơn thuốc lại chứa các loại thuốc khác nhau, người thì bảo uống kháng sinh, giảm đau. Người thì khuyên chỉ nên uống thuốc theo triệu chứng, người thì một mực khẳng định uống thuốc kháng virus 2-3 ngày là âm tính. Tôi không biết nên tin tưởng ai" - chị Linh băn khoăn.

Không những lạc vào "ma trận" thuốc điều trị COVID-19, chị Linh và gia đình cũng mệt mỏi khi nhắc đến các thủ tục hành chính rườm rà. Chồng chị dù đã khỏi bệnh sau gần 2 tuần điều trị tại nhà nhưng vẫn chưa nhận được giấy xác nhận từ phía địa phương để hưởng phúc lợi. Nay lại trở thành F1 không thể đi làm vì cơ quan không cho phép. Từ tình huống của chồng, chị Linh quyết định không khai báo mà tự mình cách ly và điều trị.

Trước tình trạng F0 tăng nhanh, lực lượng cán bộ y tế cơ sở mỏng gây nên tình trạng quá tải, người dân mệt mỏi với các thủ tục rườm rà dẫn đến tình trạng mất niềm tin vào hệ thống y tế, cảm thấy bản thân bị bỏ rơi. Trong khi đó, nhiều cán bộ y tế phản ánh, những ngày vừa qua họ rất áp lực, rất mệt mỏi, thậm chí muốn nghỉ việc vì quá căng thẳng.

Đã đến lúc xem COVID-19 là bệnh đặc hữu

Trước thực trạng trên, nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc xem COVID-19 là bệnh đặc hữu thông thường để xã hội bớt căng thẳng. 

Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Truyền nhiễm TPHCM, cố vấn Khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho rằng, cần coi COVID-19 là bệnh đặc hữu thông thường. Theo đó, mọi người cần thực hiện quy định 5K khi ra đường, đến nơi làm việc, nơi công cộng. Nếu có triệu chứng thì tự test và điều trị tại nhà, khỏi bệnh lại tiếp tục đi làm. Ngành y tế chỉ cần tập trung cho những bệnh nhân nặng, bệnh nhân phải thở máy để hạn chế ca tử vong.

Còn theo bác sĩ Trần Văn Phúc - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, đây chính là thời điểm Việt Nam nên xem COVID-19 là bệnh đặc hữu, tương tự các bệnh lý đường hô hấp do các virus khác gây nên. Theo đó, ai có triệu chứng mới vào viện để điều trị, những trường hợp cần xét nghiệm mới xét nghiệm.

Theo bác sĩ Phúc, điều này cũng giảm bớt tình trạng người dân test tràn lan do cảm thấy lo lắng, giải quyết tình trạng khan hiếm kit test nhanh, hạn chế trường hợp trục lợi sản xuất kit test giả, buôn bán kit test không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng. Đồng thời, ngăn chặn tình trạng đầu cơ tích trữ thuốc điều trị COVID-19, triệt cơ hội cho những kẻ bất lương làm giàu. Đặc biệt, giải quyết tình trạng thiếu lao động trong công sở, tránh lãng phí nhân lực trong thời điểm này.

"Khi chúng ta còn xem COVID-19 là đại dịch thì nỗi sợ hãi của người dân vẫn còn bao trùm, gây căng thẳng xã hội" - bác sĩ Trần Văn Phúc - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn