MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một đoàn khách bị ngộ độc thực phẩm khi đi du lịch tại Đà Nẵng. Ảnh: Bệnh viện 199

Đà Nẵng: Đoàn khách du lịch thứ 2 phải nhập viện vì ngộ độc thực phẩm

THÙY TRANG LDO | 31/07/2023 16:58

Ngày 31.7, Bệnh viện 199 xác nhận, khoảng 22h đêm ngày 29.7, đơn vị Cấp cứu Bệnh viện 199, quận Sơn Trà, Đà Nẵng tiếp nhận đoàn khách du lịch từ tỉnh Nam Định gồm 13 người lớn và 1 trẻ em trong tình trạng buồn nôn, đau bụng âm ỉ.

14 du khách có biểu hiện buồn nôn, đau bụng phải nhập viện trong đêm. Đây là vụ thứ 2 liên quan đến ngộ độc thực phẩm du khách được ghi nhận trong đợt du lịch hè 2023 tại Đà Nẵng.

Kíp trực cấp cứu Bệnh viện 199 chẩn đoán các bệnh nhân bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc thức ăn. Đoàn khách có biểu hiện buồn nôn, nôn ra dịch dạ dày có lẫn thức ăn, kèm theo đau bụng âm ỉ quanh rốn, đi ngoài phân lỏng, rối loạn tiểu tiện.

Các bệnh nhân vào viện trong tình trạng ý thức tỉnh, môi khô, đau bụng nhiều, nôn, sốt cao, huyết áp thấp… May mắn là đoàn khách được chuyển tới bệnh viện nhanh và được điều trị, chăm sóc kịp thời. Sức khỏe của đoàn khách ổn định và được ra viện ngay trong đêm.

Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP Đà Nẵng cho biết, đơn vị cũng vừa nhận được thông tin trên và đang chuyển cho Phòng Y tế quận Sơn Trà nắm thông tin.

Đây là lần thứ 2, Đà Nẵng ghi nhận tình trạng đoàn khách bị ngộ độc thực phẩm. Trước đó, hồi cuối tháng 6, một vụ ngộ độc thực phẩm cũng đã xảy ra khiến 7 du khách từ Hà Nội vào Đà Nẵng du lịch phải nhập viện.

Ban Quản lý An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố cho biết, các du khách này bị nghi ngộ độc thực phẩm sau bữa ăn tối từ các quán hàng rong, vỉa hè.

Điều này cho thấy, nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm vào mùa du lịch, lễ hội vẫn tiềm ẩn. Đặc biệt, thành phố đang tổ chức nhiều lễ hội, đón hàng chục nghìn lượt khách.

Trao đổi với báo Lao Động về nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm mùa nắng nóng, ông Nguyễn Tấn Hải – Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP Đà Nẵng cho biết, mùa cao điểm du lịch của thành phố là vào mùa hè, nắng nóng, độ ẩm cao khiến thực phẩm nhanh hư hỏng dẫn đến nguy cơ cao hơn về sự cố an toàn thực phẩm, đặc biệt là ở các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố.

"Hiện vẫn còn nguy cơ quá tải ở một số cơ sở dịch vụ vào mùa cao điểm du lịch, như các ngày nghỉ cuối tuần. Điều này tiềm ẩn rủi ro chế biến thức ăn trước và không đầy đủ trang thiết bị bảo quản (giữ lạnh, giữ nóng thức ăn) hoặc bếp quá tải dẫn đến thực hành vệ sinh, chế biến không đảm bảo. Đây là loại hình tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt với hàng rong do tính chất di động, lúc đến, lúc đi, lại hoạt động chủ yếu vào ban đêm khi xảy ra sự cố khó tìm được người bán” - ông Hải chia sẻ.

Riêng với du khách, các đơn vị khuyến cáo, trước khi ăn uống ở cơ sở kinh doanh nào đó, cần phải kiểm tra, xác định những điểm ăn uống đó có giấy phép chứng nhận về vệ sinh an toàn thực phẩm hay không.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn