MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đặt câu hỏi trách nhiệm của bảo hiểm xã hội khi để bệnh nhân tự ra ngoài mua thuốc. Ảnh: Văn phòng Quốc hội

Đại biểu chất vấn việc người bệnh phải ra ngoài mua thuốc

Thùy Linh - Trần Vương LDO | 31/10/2023 17:43

Nói về tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng thiếu thuốc, vật tư y tế không phải do lỗi của người dân mà do cơ quan nhà nước, vì thế phải thanh toán cho người dân khi phải ra ngoài mua thuốc, vật tư.

Chiều 31.10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và nhiều nội dung quan trọng khác.

Danh mục thuốc chậm cập nhật, người dân mất quyền lợi

Nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra các vấn đề y tế, trong đó có vấn đề danh mục thuốc bảo hiểm y tế chậm cập nhật, ảnh hưởng đến quyền lợi người bệnh.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan - Đoàn TP Hồ Chí Minh cho rằng những nội dung về y tế trong báo cáo của Chính phủ còn sơ sài, nhất là những vấn đề đã đề cập từ các kì trước.

Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung tình hình giải quyết việc cung ứng thuốc vật tư y tế, cập nhật danh mục thuốc được bảo hiểm y tế chi trả.

Theo bà Lan, ngoài việc thuốc, vật tư y tế thời gian qua không được cung ứng đủ cho bệnh nhân thì việc cập nhật danh mục thuốc của nước ta rất chậm, mất nhiều thời gian hơn so với các nước trên thế giới. Đại biểu cho biết việc này ở Nhật mất khoảng 3 tháng, Pháp khoảng 15 tháng, Hàn Quốc khoảng 18 tháng nhưng ở nước ta thường mất từ 2-4 năm để một thuốc mới có thể được cập nhật danh mục thuốc bảo hiểm y tế.

"Như vậy mất quyền lợi của người dân" - bà Lan nói.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đề nghị làm rõ bổ sung chính sách dự trữ quốc gia đối với một số thuốc hiếm, cùng với đó là nguy cơ thiếu vaccine cho chương trình tiêm chủng mở rộng; hiện nay một số địa phương vẫn thiếu.

Đại biểu cũng đề nghị làm rõ chính sách đãi ngộ cho nhân viên y tế có gì khác biệt chưa, để thể hiện tốt nhất sự quan tâm đối với ngành y tế, quan tâm tới an sinh xã hội, sức khỏe, quyền lợi và tính mạng của bệnh nhân.

Đại biểu nhấn mạnh khó khăn không chỉ từ yếu tố khách quan, thiếu tiền, thiếu nhân lực mà đôi khi do quy trình thủ tục quá phức tạp, "đá nhau", chậm sửa đổi, đòi hỏi không chỉ nỗ lực của ngành y tế. Cần có sự chỉ đạo quan tâm đồng bộ.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đề nghị Chính phủ bổ sung vào báo cáo, phát huy những kết quả đạt được và giải quyết những vấn đề mang tính gốc rễ.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân kiến nghị chi trả lại chi phí bệnh nhân phải ra ngoài mua thuốc, vật tư y tế. Ảnh: Văn phòng Quốc hội

Thiếu thuốc, vật tư y tế không phải do lỗi của người dân

Ngoài ra, còn tình trạng bệnh nhân phải tự ra ngoài mua thuốc, đại biểu Lan đặt ra câu hỏi một lần nữa là trách nhiệm của Bảo hiểm Xã hội như thế nào, bảo hiểm y tế có trách nhiệm gì khi để bệnh nhân tự ra ngoài mua thuốc như vậy?

"Đây là quyền lợi của người dân, không cung ứng được thuốc, vật tư y tế là lỗi của chúng ta" - bà Lan nói.

Đồng quan điểm về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (đoàn Bình Dương) kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo khắc phục cho được tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế.

Đại biểu đề nghị cần có cơ chế chi trả lại chi phí cho người dân khi phải tự mua thuốc, vật tư y tế bên ngoài đối với những loại có trong danh mục được thanh toán bảo hiểm y tế.

"Thiếu thuốc, vật tư y tế không phải do lỗi của người dân mà do cơ quan nhà nước. Do đó, nhân dân cần có cơ chế bảo vệ quyền lợi chính đáng này" - bà Xuân nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn