MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân nhận thuốc bảo hiểm y tế tại nhà thuốc bệnh viện. Ảnh: Thùy Linh

Danh mục thuốc bảo hiểm y tế lạc hậu, chậm cập nhật, người bệnh chịu thiệt

Nhóm Phóng viên LDO | 16/09/2023 06:29

Kể từ 2018 đến nay, danh mục thuốc thuộc phạm vi thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) chưa được cập nhật, bổ sung các thuốc mới. Đối tượng chịu thiệt thòi lớn nhất là người bệnh.

Một số thuốc bảo hiểm y tế hiệu quả kém, nhiều tác dụng phụ

Ông Đ.D.M (sinh năm 1953, ở Sơn Tây, Hà Nội) đã điều trị bệnh tim mạch khoảng 10 năm nay. Bệnh nhân này mắc bệnh huyết áp cao, kèm theo nhiều dấu hiệu tim mạch khác. Mới đây, ông đã được phẫu thuật đặt máy tạo nhịp tim. Điều trị huyết áp cao là bệnh mãn tính, ông M phải dùng thuốc suốt nhiều năm nay.

Thế nhưng, vì 1 lần bệnh trở nặng, chuyển xuống BV Bạch Mai điều trị, nên ông M đã "đặt lòng tin" tại bệnh viện tuyến Trung ương.

"Các loại thuốc bảo hiểm y tế có hiệu quả kém, nói đúng hơn là rẻ tiền, lại không có thuốc mới, nên điều trị ở tuyến dưới, bệnh tình của tôi không được cải thiện" - ông M nói.

Tuy nhiên, chi phí mà ông M phải chi trả hằng tháng cho các loại thuốc tốt, để điều trị bệnh lên tới vài triệu đồng. "Như gia đình tôi còn có thể lo được, nhưng nếu các gia đình có điều kiện kinh tế eo hẹp hơn, thì thực sự là gánh nặng lớn"- ông M nói.

Tương tự, một bệnh nhân 71 tuổi (trú tại Thái Bình) bị tăng huyết áp và mỡ máu nhiều năm nay, điều trị và lấy thuốc tại bệnh viện huyện. Nhưng ông thường xuyên bị ho, đi chụp X-quang phổi nhiều lần nhưng không phát hiện bất thường. Tại bệnh viện tuyến Trung ương, bác sĩ phát hiện thủ phạm gây ho là thuốc tăng huyết áp mà ông được cấp.

Theo Giáo sư Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức và chống độc Việt Nam, các bệnh nhân như trên không phải là thường gặp. Bởi thiếu thuốc, bác sĩ biết rõ thuốc có tác dụng phụ nhưng vẫn phải kê cho bệnh nhân.

Nếu kê thuốc ngoài danh mục BHYT, bệnh nhân uống hợp nhưng phải trả tiền sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề. Trong khi đó người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế nên thuốc không hợp cũng đành cố uống.

Đa số người bệnh bỏ tiền mua thuốc ngoài BHYT để có thể điều trị bệnh tốt nhất. Ảnh: Hương Giang

Người bệnh muốn sử dụng dịch vụ, thuốc cao hơn thì phải chi trả thêm

Tại Việt Nam, hiện nay, 95% giường bệnh thuộc các cơ sở công lập, người bệnh tiếp cận thuốc mới chủ yếu thông qua các cơ sở khám chữa bệnh công lập và được chi trả bởi bảo hiểm y tế. Thế nhưng, nhiều người bệnh đang mất lòng tin vào các thuốc do bảo hiểm y tế chi trả.

Một trong những lý do là danh mục thuốc BHYT chậm cập nhật mới. Kể từ 2018 đến nay, danh mục thuốc thuộc phạm vi thanh toán BHYT chưa được cập nhật, bổ sung các thuốc mới một cách tổng thể từ Thông tư 30/2018/TT-BYT.

Lần cập nhật gần nhất ở Thông tư 20/2022/TT-BYT chỉ bổ sung danh mục thuốc điều trị COVID-19 chứ không hề cập nhật các loại thuốc mới.

Thực tế, thời gian thuốc mới có mặt ở Việt Nam là sau gần 4 năm kể từ lần đầu tiên ra mắt trên toàn cầu, sau đó mất thêm 3-4 năm để được xem xét bổ sung vào danh mục thuốc thuộc phạm vi thanh toán BHYT.

Trong khi đó, thời gian trung bình kể từ khi được cấp giấy đăng ký lưu hành đến khi thuốc được cập nhật vào danh mục bảo hiểm y tế chi trả ở Nhật là 3 tháng, Anh, Pháp - 15 tháng, Hàn Quốc - 18 tháng.

Theo đúng quy trình, các thuốc mới cần được đưa vào danh mục thuốc thuộc phạm vi thanh toán BHYT và từ đó đưa vào các đợt đấu thầu của bệnh viện. Khi đó, người bệnh mới có cơ hội tiếp cận thông qua sử dụng thẻ BHYT.

Khi không nằm trong danh mục thuốc được BHYT chi trả, người bệnh rất khó có thể tiếp cận được các loại thuốc mới này tại các cơ sở khám chữa bệnh công. Nếu muốn sử dụng các loại thuốc mới, họ phải tự chi trả.

Điều này có thể gây ra nhiều hệ lụy như tạo áp lực tài chính, không đảm bảo chất lượng thuốc nếu phải mua qua các kênh ngoài cơ sở khám chữa bệnh và gây khó khăn trong việc theo dõi và phối hợp điều trị cho nhân viên y tế.

Theo bà Tống Thị Song Hương, nguyên Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế, Bộ Y tế: Hiện nay, rất nhiều thuốc mới được đánh giá có hiệu quả về lâm sàng, tuy nhiên, danh mục thuốc được BHYT chi trả lại chậm cập nhật.

“Vấn đề là chúng ta có đưa các thuốc mới vào danh mục được chi trả hay không? Nếu không đưa thì người dân không được tiếp cận thuốc mới, thuốc tốt và phải mua thuốc bên ngoài" - bà Hương cho biết.

Để giải quyết bài toán cân đối quỹ BHYT khi đưa thuốc mới vào danh mục thuốc được thanh toán, vị chuyên gia này cho rằng, cần đề xuất dự án luật định mức trần thanh toán. Như vậy, người tham gia BHYT được hưởng quyền lợi ở mức cơ bản. Nếu muốn hưởng, sử dụng dịch vụ, thuốc cao hơn, họ phải chi trả thêm.

Theo thống kê, mức chi trả bằng tiền túi cho dịch vụ y tế của Việt Nam chiếm 45% tổng chi tiêu y tế, so với chỉ số mục tiêu được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến nghị chỉ là 20%. Bên cạnh đó, dân số ngày càng già hóa khiến nhu cầu điều trị gia tăng, đòi hỏi việc sử dụng nguồn lực y tế hiệu quả.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn