MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Dễ dàng mua thuốc điều trị ung thư trên mạng

LƯƠNG HẠNH LDO | 01/03/2023 11:51
Với tâm lý "có bệnh vái tứ phương", nhiều bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tìm đến mạng xã hội để mua các loại thuốc với hy vọng chữa được bạo bệnh mà không biết tác dụng thực sự của các loại thuốc này.

Khó phân biệt thật - giả

Không khó để tìm kiếm được những địa chỉ rao bán các loại thuốc trên sàn thương mại điện tử hoặc mạng xã hội; trong đó có các loại thuốc chữa bệnh ung thư. 

Chỉ cần gõ từ khóa "Thuốc chữa bệnh ung thư dạ dày; "Ung thư xương khớp" là hàng nghìn kết quả hiện ra.

Thậm chí, ngay cả khi không cần tìm kiếm, quảng cáo về các loại thuốc như: "Nhà tôi ba đời chữa xương khớp", "Bài thuốc nam chữa bệnh ung thư"... vẫn tràn lan trên các trang mạng. 

Cần mua loại thuốc hỗ trợ điều trị dạ dày, PV tìm loại thuốc Nexium 40mg trên mạng xã hội Facebook. Tuy nhiên, với cùng một loại thuốc có bao bì, mẫu mã gần giống nhau lại có giá tiền khác nhau từ 300.000 đồng đến 700.000 đồng, cũng có những loại lên đến 1,2 triệu đồng. Rất khó để phân biệt được đâu là loại thuốc thật, đâu là thuốc giả. 

Tràn lan các loại thuốc với giá cả khác nhau. Ảnh: Chụp màn hình.

Căn bệnh xương khớp của bà N.T.M (huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) đã chuyển biến nặng. Dù bà M đã khám chữa tại các cơ sở y tế tên địa bàn tỉnh nhà nhưng không thuyên giảm là bao. Bà M tìm đến tất cả những nơi có thể giúp bà chữa trị căn bệnh bao gồm cả các địa chỉ có trên mạng xã hội Facebook, Youtube…

“Tôi chỉ nghĩ đơn giản làm cách nào để có thể đỡ đau và tình trạng bệnh thuyên giảm là đặt mua” – bà M nói.

Lần gần đây nhất, bà M đặt mua một lọ thuốc giá 500.000 đồng. Sau khi bà M mua và sử dụng không thấy bệnh tình chuyển biến tích cực, bà M hỏi con gái về xuất xứ cũng như giá tiền thực sự của loại thuốc này.

Cẩn thận "tiền mất, tật mang" 

Chị L.T.H – con gái bà M nhờ người quen làm bác sĩ tại một bệnh viện có tiếng tại Hà Nội thì phát hiện đây là loại thuốc giả. Chủ yếu loại thuốc này trộn giữa thuốc giảm đau và kháng sinh, ngoài ra có những thành phần không rõ nguồn gốc.

Theo chị H, sở dĩ mẹ chị tin tưởng rằng các sản phẩm thuốc chữa bệnh được rao bán trên mạng là vì có hình ảnh của các bác sĩ tư vấn, khách hàng từng mua khẳng định đã khỏi bệnh sau khi sử dụng.

"Cũng may mẹ tôi đã hỏi tôi về loại thuốc này sớm trước khi mọi chuyện đi quá xa. Tôi biết những người hàng xóm gần nhà cũng cùng mua. Những người có tuổi như mẹ tôi thường rất dễ bị lừa" - chị H chia sẻ. 

Trước đó, ngày 28.2, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cảnh báo thị trường xuất hiện nhiều thuốc giả điều trị ung thư, đái tháo đường, huyết áp, dạ dày, thuốc nhỏ mắt.

Cảnh báo được Cục Quản lý Dược đưa ra sau khi Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Thạch Thất (Hà Nội) phát hiện một số lô thuốc giả hoặc nghi ngờ giả, không rõ nguồn gốc.

Lọ thuốc giả thấp hơn lọ thuốc thật. Ảnh: Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế.

Thuốc giả gồm nhiều loại, trên nhãn ghi công dụng khác nhau. Ví dụ, thuốc Nexium 40 mg điều trị dạ dày, thuốc điều trị ung thư Tecentriq 1.200 mg/20 ml (atezolizumab), thuốc điều trị đái tháo đường Diamicron MR 30 mg, thuốc Coveram 5 mg/5mg điều trị tăng huyết áp, thuốc nhỏ mắt TobraDex.

Ngoài ra, còn có hai loại thuốc giả kháng sinh Tetracyclin Tw3 250mg và Clorocid Tw3 250mg.

Với thuốc nhỏ mắt TobraDex, Cục Quản lý Dược hướng dẫn cách nhận diện thật giả dựa trên quy cách lọ thuốc. So sánh với lọ thuốc thật, chiều cao của lọ thuốc giả thấp hơn (55 mm), đáy chai bị gỉ, vỏ hộp không sử dụng hệ thống bảo vệ riêng của hãng dược sản xuất, phông chữ ghi trên vỏ hộp cũng khác. Giọt thuốc TobraDex giả có màu trong suốt như nước cất, còn thuốc chính hãng có màu trắng, trắng đục.

Các thuốc giả khác, Cục Quản lý Dược chưa công bố cách phân biệt với thuốc thật.

Để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, Cục Quản lý Dược đề nghị cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc cần phân biệt - nhận biết thật giả, báo cơ quan chức năng nếu phát hiện thuốc giả. Lực lượng chức năng phối hợp kiểm tra thị trường, truy tìm nguồn gốc các sản phẩm giả trên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn