MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đề nghị bác sĩ nước ngoài phải thông thạo tiếng Việt có phù hợp thực tế?

NGUYỄN LY LDO | 30/11/2022 15:23

TPHCM - Theo phương án đang được lấy ý kiến tại Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), người hành nghề nước ngoài lâu dài tại Việt Nam phải thành thạo tiếng Việt. Sở Y tế TPHCM và một số bác sĩ cũng vừa có đề nghị liên quan đến vấn đề này.

Nhiều phòng khám có yếu tố nước ngoài bị xử phạt 

Hiện nay, trên địa bàn TPHCM có nhiều phòng khám tư nhân (có yếu tố nước ngoài). Trong đó, không ít phòng khám dù bị Sở Y tế TPHCM liên tiếp xử phạt các vi phạm như: Để người không có trình độ chuyên môn trực tiếp khám, điều trị bệnh; sử dụng người không chứng chỉ hành nghề; cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh trong thời gian bị tạm đình chỉ hoạt động và quảng cáo quá phạm vi chuyên môn... bị xử phạt ở các khung hình phạt cao nhất theo quy định của pháp luật hiện hành, nhưng mọi thứ đâu lại vào đấy. 

  Chỉ trong 10 tháng đầu năm 2022, phòng khám đa khoa Hồng Phong (có yếu tố người nước ngoài hành nghề) bị tước giấy phép hoạt động 2 lần. Ảnh: Thanh tra Sở Y tế TPHCM

"Là nhân viên của ngành y tế thành phố chắc rằng tất cả đều phẫn nộ và lên án mạnh mẽ các hành vi vẽ bệnh, moi tiền người bệnh của một vài cơ sở tư nhân có yếu tố nước ngoài này thường xuyên tái phạm những hành vi thiếu đạo đức này", đại diện Sở Y tế TP nhấn mạnh.

Đứng trước các hoạt động "lộng hành" ở những phòng khám tư nhân (có yếu tố nước ngoài), ngành y tế kiến nghị Quốc hội sớm thông qua Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Trong đó, cần quy định bác sĩ nước ngoài muốn hành nghề khám chữa bệnh tại Việt Nam bắt buộc phải qua kỳ thi chứng chỉ hành nghề, bắt buộc phải thông thạo tiếng Việt và nói tiếng Việt khi khám bệnh. Các quy định này cần sớm có hiệu lực khi được ban hành.

Ngoài ra, cần tăng nặng các hình thức xử phạt như thu hồi vĩnh viễn chứng chỉ hành nghề và giấy phép hoạt động nếu tái phạm các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là các hành vi liên quan đến đạo đức hành nghề.

Bác sĩ thành thạo tiếng Việt có cần thiết?

Phó giáo sư, tiến sĩ Đỗ Văn Dũng - Trưởng Khoa Y tế công cộng, Đại học Y dược TPHCM chia sẻ quan điểm cá nhân của mình: “Tôi nghĩ không nhất thiết yêu cầu bác sĩ người nước ngoài nói được tiếng Việt. Bởi việc này sẽ khiến người dân khó tiếp xúc được bác sĩ nước ngoài hơn.

Có hai vấn đề cần nhắc tới. Thứ nhất, ngôn ngữ giao tiếp đời thường có thể dễ dàng tiếp xúc, nhưng ngôn ngữ bằng chuyên ngành như y tế sẽ khó diễn đạt hơn. Vì thế, việc có phiên dịch chuyên nghiệp đứng bên cạnh bác sĩ nước ngoài là điều cần thiết hơn.

Thứ hai, hiện nay các bác sĩ nước ngoài về Việt Nam đều phải yêu cầu có chuyên môn cao, nếu phải thành thạo tiếng Việt thì người chuyên môn cao khó làm việc ở Việt Nam vì phải học thêm ngôn ngữ nữa. Thậm chí, nhiều bác sĩ không có kế hoạch làm việc lâu dài ở Việt Nam”. 

  Một bác sĩ tại phòng khám này đã từng bị xử phạt vi phạm hành chính. Ảnh: Thanh tra Sở Y tế TPHCM

Để vừa đạt hiệu quả trong khám, chữa bệnh và thuận lợi hơn trong quản lý những bác sĩ là người nước ngoài, PGS Đỗ Văn Dũng nhấn mạnh, chỉ cần kiểm soát hệ thống đảm bảo được người dân hiểu rõ khi đi khám bệnh tại cơ sở y tế bác sĩ nước ngoài làm việc, việc này sẽ tốt hơn là bắt buộc bác sĩ nước ngoài phải biết thành thạo tiếng Việt. 

Vào tháng 5.2022, Bộ Y tế đã trình bày tờ trình Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Về việc sử dụng ngôn ngữ với người nước ngoài hành nghề tại Việt Nam, Dự thảo luật đưa ra hai phương án. 

Phương án 1, người nước ngoài hành nghề lâu dài tại Việt Nam phải sử dụng tiếng Việt thành thạo trong khám bệnh, ngoài hai trường hợp gồm: khám chữa bệnh cho người có cùng ngôn ngữ, là chuyên gia quốc tế sang Việt Nam để khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo hoặc đào tạo thực hành, chuyển giao kỹ thuật chuyên môn và giao Chính phủ quy định việc sử dụng ngôn ngữ không phải là tiếng Việt trong khám bệnh, chữa bệnh.

Phương án 2, giữ nguyên quy định như hiện hành, người nước ngoài hành nghề tại Việt Nam phải đăng ký ngôn ngữ sử dụng và có người phiên dịch.

Bên cạnh một số ý kiến đồng tình với phương án 1, có nhiều ý kiến đồng tình nên giữ quy định cũ như tại phương án 2 để tránh hạn chế ảnh hưởng đến nguồn nhân lực của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đang sử dụng người nước ngoài. Thay vì yêu cầu người hành nghề nước ngoài phải thành thạo tiếng Việt, cần xác định trách nhiệm pháp lý của phiên dịch, nâng cao chất lượng đội ngũ này, đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn