MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Trần Khánh Thu kiến nghị hỗ trợ học phí cho sinh viên theo học bác sĩ y khoa. Ảnh: Văn phòng Quốc hội

Đề nghị hỗ trợ học phí ngành bác sĩ, cam kết ra trường làm trong y tế công

Thùy Linh - Cường Ngô LDO | 31/10/2023 21:52

Đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ xây dựng chính sách hỗ trợ cho sinh viên học ngành bác sĩ y khoa trên cơ sở hỗ trợ học phí, với cam kết sau khi ra trường sẽ làm việc theo sự phân công của Nhà nước.

Có trường điểm chuẩn đầu vào chỉ bằng với điểm sàn

Chia sẻ những trăn trở về vấn đề đào tạo nhân lực ngành y tế, đại biểu Trần Khánh Thu - Đoàn Thái Bình cho biết: "Để đào tạo được 1 bác sĩ có thể hành nghề được theo quy định hiện nay phải mất tối thiểu 7 năm rưỡi, còn nếu để một bác sĩ có thể thực hiện được các kỹ thuật điều trị tuyến tỉnh cũng phải mất gần 10 năm, đây thực sự là một thách thức lớn với ngành y tế".

Trong những năm gần đây, một số trường đa ngành không chuyên về đào tạo sức khỏe cũng đã và đang có xu hướng lấn sân mở mã ngành đào tạo lĩnh vực đặc thù này. Đây cũng là xu thế tất yếu của xã hội trong bức tranh thiếu hụt đội ngũ nhân viên y tế, đặc biệt là bác sĩ.

Hiện nay, trên cả nước có rất nhiều cơ sở đào tạo ngành y, trong đó có 32 cơ sở được phép đào tạo bác sĩ y khoa, số bác sĩ tốt nghiệp năm 2022 là 12.254 bác sĩ và dự kiến đến năm 2025 sẽ đào tạo được 60.900 bác sĩ.

Như vậy, số nhân lực bác sĩ có thể đáp ứng theo yêu cầu về số lượng nhưng cơ cấu phân bố chưa hợp lý, đặc biệt là vùng khó khăn, vùng núi, vùng sâu, hải đảo.

Mặt khác, do đầu vào khác nhau, chương trình đào tạo không đồng bộ, đặc biệt là các điều kiện về đội ngũ giảng viên, cơ sở thực hành khác nhau; trong khi những năm qua, điểm chuẩn đầu vào của các trường đại học y truyền thống thường ở tốp cao nhất, nhưng cũng có những trường điểm chuẩn đầu vào chỉ bằng với điểm sàn.

Theo đại biểu, hiện nay, các trường đại học hoạt động theo cơ chế tự chủ, các bệnh viện thực hành lâm sàng cũng hoạt động tự chủ, dẫn đến việc các sinh viên y khoa sẽ chịu gánh nặng học phí kép, đó là học phí trong 6 năm học đại học và đến khi ra trường tham gia thực hành lâm sàng 18 tháng tại các bệnh viện tiếp tục phải chi trả kinh phí học thực hành.

Đại biểu Trần Khánh Thu cho rằng việc các trường mở rộng đào tạo, ngành đào tạo đặc biệt, ngành đào tạo sức khỏe là cần thiết lập vì sẽ bổ sung một số lượng lớn nhân lực phục vụ trong lĩnh vực y tế.

Tuy nhiên, nếu chúng ta không làm chặt ngay từ khâu thẩm định, cấp phép, giám sát thì đương nhiên chất lượng đầu ra sẽ không có sự khác biệt về năng lực bác sĩ và sẽ có sự không công bằng với sức khỏe của nhân dân.

Có chính sách hỗ trợ sinh viên y khoa

Đại biểu kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm, hoàn thiện những cơ chế, chính sách, đặc biệt là các cơ cấu nguồn vốn.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã quy định việc kiểm tra, đánh giá năng lực, phục vụ cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo thông lệ quốc tế do Hội đồng Y khoa Quốc gia tổ chức.

Đề nghị Quốc hội, Chính phủ bố trí đủ nguồn lực để hội đồng sớm triển khai các hoạt động theo quy định của pháp luật. Nhằm bảo đảm tính minh bạch, khách quan khi triển khai đánh giá năng lực của cán bộ chính thức được thực hiện.

Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ xây dựng chính sách hỗ trợ cho sinh viên học ngành bác sĩ y khoa trên cơ sở hỗ trợ học phí, với cam kết sau khi ra trường sẽ làm việc theo sự phân công của Nhà nước.

"Như vậy vừa đảm bảo nguồn sinh viên, đặc biệt là sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, có cơ hội đạt được nguyện vọng để trở thành bác sĩ. Đồng thời, giải quyết được vấn đề nguồn nhân lực y tế tại các vùng sâu, vùng xa, vùng thiếu bác sĩ" - bà Trần Khánh Thu nói.

Đề nghị cần có chính sách phân bổ ngân sách cho các bệnh viện đủ điều kiện là cơ sở thực hành lâm sàng theo hình thức đặt hàng giao nhiệm vụ thực hành cho các bác sĩ sau khi tốt nghiệp đại học.

Đề nghị cần phải có hệ thống giám sát, kiểm tra hàng năm về năng lực đào tạo của các trường có ngành đào tạo y, dược. Nếu không đủ năng lực thì phải cho ngừng hoạt động lĩnh vực này. Thực hiện chặt chẽ khâu thẩm định, trước hết bảo đảm bảo quyền lợi sức khỏe của người dân, tiếp đến đảm bảo quyền lợi cho người học.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn