MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đề xuất bệnh COVID-19 là bệnh nghề nghiệp được BHXH chi trả

LƯƠNG HẠNH LDO | 21/09/2021 16:01

Bộ Y tế đang lấy ý kiến đóng góp tại dự thảo Thông tư bổ sung bệnh COVID-19 nghề nghiệp vào Danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH).

Ban hành kèm Thông tư này là hướng dẫn chẩn đoán, giám định bệnh COVID-19 nghề nghiệp. Cụ thể, bệnh COVID-19 nghề nghiệp được định nghĩa là:

Bệnh COVID-19 nghề nghiệp là bệnh phát sinh trong quá trình lao động do người lao động phải tiếp xúc với virus SARS-CoV-2.

Theo đó, bệnh này có thời gian tiếp xúc với SARS-CoV-2 tối thiểu 01 lần và có triệu chứng hay gặp là sốt, ho khan, mệt mỏi và đau cơ. Một số trường hợp khác sẽ đau họng, nghẹt mũi, chảy nước mũi, đau đầu, ho có đờm, nôn và tiêu chảy. Thậm chí có trường hợp còn có biểu hiện rối loạn khứu giác hoặc tê lưỡi.

Hướng dẫn cũng liệt kê 07 nghề, công việc thường gặp bệnh COVID-19 nghề nghiệp và nguồn tiếp xúc gồm người lao động làm việc:

Tại các cơ sở y tế; tại phòng thí nghiệm SARS-CoV-2, lấy mẫu, xử lý, bảo quản và tiêu hủy mẫu;

Tại các bệnh viện điều trị người nhiễm COVID-19, khu cách ly tập trung, cách ly vùng có dịch, hỗ trợ người nhiễm COVID-19 tại nhà.

Người vận chuyển đường không, đường bộ cho người nhiễm COVID-19, khu vực cách ly, điều trị, thi hài người mất vì COVID-19.

Người tham gia khâm liệm, bảo quản, thiêu đốt, mai táng thi hài người mất vì COVID-19;

Tham gia phòng, chống dịch, phục vụ, cứu trợ người nhiễm SARS-CoV-2 gồm: Nhân viên hải quan ngoại giao, người làm công tác xuất nhập cảnh; chiến sĩ, sĩ quan thuộc quân đội, công an…

Người lao động làm các nghề, công việc khác tham gia phòng, chống dịch.

Những đối tượng khi chẩn đoán mắc bệnh COVID-19 nghề nghiệp cần phải nộp kèm theo hồ sơ bệnh nghề nghiệp các giấy tờ sau:

Giấy ra viện/tóm tắt hồ sơ bệnh án ghi nhận bị COVID-19 hoặc xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 bằng RT-PCR hoặc tương đương (bản sao);

Biên bản xác định tiếp xúc nghề nghiệp với SARS-CoV-2 hoặc văn bản cử đi tham gia chống dịch, phục vụ, cứu trợ người nhiễm COVID-19 (biên bản này phải phải có chữ ký và xác nhận, đóng dấu của lãnh đạo đơn vị).

Ngoài ra, những biên bản này thay thế kết quả quan trắc môi trường lao động hoặc biên bản xác nhận tiếp xúc với yếu tố có hại gây bệnh nghề nghiệp cấp tính.

Đặc biệt, bệnh COVID-19 nghề nghiệp có các tổn thương cơ thể ổn định, không để lại di chứng được xác định mức tỉ lệ tổn thương là 15%.


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn