MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các bác sĩ thực hiện một ca ghép tạng tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Ảnh: BVCC

Đề xuất quy định về "hiến mô tạng từ người chết tim” vào Luật

Thùy Linh LDO | 29/02/2024 18:07

Hiện nay, trong các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam đã có những quy định hướng dẫn chẩn đoán chết não và hiến mô tạng từ người chết não. Tuy nhiên, Luật Hiến ghép mô tạng năm 2006 nhưng chỉ đề cập hiến mô tạng từ người chết não. Luật chưa đề cập hiến mô tạng từ người chết tim.

Nguồn tạng hiến từ người chết tim cũng tương đương như người chết não

Ngày 29.2, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia tổ chức hội thảo "Hiến mô, tạng từ người chết tim tại Việt Nam" lấy ý kiến các nhà khoa học, các chuyên gia để đề xuất bổ sung chết tim và hiến mô tạng từ người chết tim vào Luật Hiến ghép mô tạng sửa đổi tới đây.

PGS.TS Đồng Văn Hệ - Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức - cho biết, thế giới tận dụng 2 nguồn tạng hiến có thể để ghép cho người bệnh, trong đó, nguồn tạng hiến từ người chết có 2 nguồn là chết tim và chết não.

Trong hơn 10 năm vừa qua, nguồn hiến tạng từ người chết tim được nhiều nước quan tâm và tăng tỉ lệ lên cao. Nguồn hiến tạng từ người chết tim tại Việt Nam có nhiều tiềm năng, có thể cứu sống được nhiều bệnh nhân.

Theo PGS Đồng Văn Hệ, kinh nghiệm từ Trung Quốc cho thấy, tại nước này hiến tạng từ người chết tim sau chết não chiếm tỉ lệ cao hơn chết não vì hiện nay hiến mô tạng từ người chết não còn nhiều tranh luận; gia đình người hiến chỉ đồng ý hiến khi tim đã ngừng đập.

“Nếu người chết tim hiến đa tạng được luật chấp nhận sẽ mở rộng thêm nguồn tạng hiến, giúp người bệnh bị suy mô tạng tiếp thêm hy vọng vượt qua căn bệnh hiểm nghèo và gia tăng tỉ lệ hiến mô, tạng sau chết/chết não và chết tim trên cả nước trong thời gian tới”, ông Hệ cho hay.

Bác sĩ Hệ cho hay, sau vài tiếng chết tim, các chuyên gia sẽ vẫn hồi sức lấy được phổi, thận, gan, tụy, giác mạc, da, xương, mạch máu nên nguồn tạng hiến cũng tương đương như người chết não.

PGS.TS Nguyễn Quang Nghĩa - Giám đốc Trung tâm ghép tạng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức - cho biết: Có khoảng 200 trường hợp đang được hồi sức chết não để chuẩn bị đánh giá chết não hiến tạng tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thì bị suy tuần hoàn, ngừng tuần hoàn. Trong trường hợp này, dù gia đình đã đồng ý hiến tạng, nhưng bệnh nhân không đánh giá được chết não, không thể hiến tạng nên rất lãng phí nguồn tạng hiến.

Do đó, ông Nghĩa cho rằng, cần phải có những tiêu chuẩn dự đoán trước nguy cơ trước tuần hoàn để chuyển từ chẩn đoán chết não sang chẩn đoán chết tuần hoàn. Từ đó, cần phải có phương án tổ chức lấy tạng từ người hiến chết tuần hoàn.

Các chuyên gia ghép tạng BV Việt Đức đang thực hiện 1 ca ghép tim. Ảnh: BVCC

Cần cân nhắc quy trình xác định chết tim

Ở Việt Nam hiện nay, hàng chục nghìn người vẫn đang giành giật sự sống từng ngày để chờ đợi được ghép gan, thận, tim…, những ca ghép mô, tạng từ người chết não, ngừng tim, hiến tặng thời gian qua đã mở ra một hướng đi đúng đắn, đem lại lợi ích và ý nghĩa cho xã hội.

Chia sẻ thêm ý kiến về việc nên đưa hiến tạng từ người chết tim vào luật, để có cơ sở các các đơn vị y tế thực hiện, Tiến sĩ, bác sĩ Dương Đức Hùng - Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức - cho rằng: “Cần cân nhắc quy trình xác định chết tim. Việc này cần làm nghiêm túc. Để xây dựng bộ tiêu chuẩn chết tim, đơn giản nên chăng tham khảo và áp dụng bộ tiêu chuẩn đã áp dụng trên thế giới”.

Ông Hà Trường Giang - chuyên viên Vụ Pháp chế, Bộ Y tế - cho biết: “Hoàn toàn có cơ sở để tăng cường nguồn tạng từ người cho chết tim xuất phát từ quy định có trong Hiến pháp và Luật hiến ghép mô, tạng”.

Tuy nhiên, theo Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, hiện còn đang nhiều từ sử dụng như: Chết tim; ngừng tim; chết tuần hoàn; ngừng tuần hoàn. Do đó, ông đề xuất cần thiết phải đưa “hiến mô tạng từ người chết tim” vào Luật và triển khai ngay các bước chuẩn bị trước tháng 9.2024.

Chia sẻ về vấn đề lấy tạng hiến từ người chết tim, bác sĩ Đỗ Hải Đăng, Trung tâm ghép tạng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: Về tiên lượng khả năng chết tuần hoàn sau ngừng hỗ trợ, ở thế giới có 3 công cụ, trong đó có 2 công cụ phải rút máy thở và 1 tiêu chuẩn DCD-N.

Theo bác sĩ, hiện chưa có phương pháp tiên lượng người hiến chết tuần hoàn tối ưu. Kết quả sau ghép từ nguồn tạng hiến người chết não tốt tương đương tạng hiến từ người chết não, tuy nhiên tỷ lệ biến chứng trong ghép gan và ghép đa tạng còn cao hơn.

TS.BS Dư Thị Ngọc Khu, Trưởng đơn vị điều phối ghép tạng, Bệnh viện Chợ Rẫy cho hay, mấu chốt quan trọng trong ghép tạng từ người hiến ngừng tuần hoàn là thời điểm chẩn đoán tử vong.

“Đã có những trường hợp ê-kíp chẩn đoán chết não đã đưa ra kết luận chết não, đủ điều kiện hiến tạng, nhưng sau khi gia đình yêu cầu hội chẩn lại bởi một ê-kíp khác, thì người bệnh chưa chết não và đã được hồi sức sống khỏe mạnh”- BS Khu nói.

Do đó, Tiến sĩ Khu cho rằng, cần phải có Hội đồng quy định tiêu chuẩn làm thế nào chẩn đoán người bệnh tử vong. Người là thành viên trong Hội đồng chẩn đoán chết não, chết tim, phải có chuyên môn ít nhất 5 năm trong chuyên ngành của mình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn