MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
TPHCM đang triển khai tiêm vaccine mũi 2 cho người dân, tuy nhiên, hiện chưa có vaccine Moderna. Ảnh: Hoài Anh

Đến hạn tiêm vaccine Moderna mũi 2 cho người dân, ngành Y tế TPHCM nói gì?

Huyên Nguyễn LDO | 06/09/2021 19:23

Lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết việc tiêm trễ mũi 2 vaccine Moderna một vài tuần không ảnh hưởng đến hiệu quả và không phải tiêm lại từ đầu.

Có thể tiêm trễ một vài tuần 

Chiều tối 6.9, Phó Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TPHCM Phạm Đức Hải chủ trì họp báo cung cấp thông tin về dịch bệnh trên địa bàn thành phố.

Tại họp báo, vấn đề được nhiều phóng viên quan tâm là vaccine Moderna đang hết nhưng đang đến thời gian tiêm mũi 2 của nhiều người dân đã tiêm mũi 1 loại này.

Trả lời về băn khoăn này, ông Nguyễn Hồng Tâm - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết thành phố được phân bổ 4 loại vaccine là Pfizer, Moderna, AstraZeneca và Vero Cell. Thành phố tổ chức tiêm vaccine đúng theo ý kiến chỉ đạo của Bộ Y tế.

Trong đó, vaccine Moderna nhận nhiều đợt, do đó việc tiêm mũi 1 cũng nhiều đợt và hạn tiêm mũi 2 cũng được chia ra nhiều đợt, chứ không cấp đồng loạt.

Ông Nguyễn Hồng Tâm - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM. Ảnh: Huyên Nguyễn 

Về tiêm vaccine mũi 2 có trễ hạn một vài tuần thì cũng không ảnh hưởng lớn, sau khi tiêm mũi 2 thì tác dụng vẫn có hiệu quả. “Không phải trễ là phải tiêm lại từ đầu, nên chúng ta không nên quá lo lắng” - ông Tâm khẳng định.

Ông Từ Lương - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM cho biết, Bí thư Thành ủy giao cho Sở này thực hiện thí điểm tại quận 7 về thống nhất phần mềm khai báo y tế và cập nhật các dữ liệu vaccine. Trong tuần này sẽ triển khai thí điểm và thông tin kết quả.

Nói thêm về vấn đề này, ông Phạm Đức Hải nhấn mạnh đại diện Sở Y tế và HCDC đã nhiều lần khẳng định về mặt chuyên môn trong việc tiêm trễ 2 mũi vaccine. Còn việc tiêm trộn thì thành phố tiêm đúng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Kế hoạch xét nghiệm đến ngày 15.9 

Tại họp báo, ông Hải cũng thông tin, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM vừa có văn bản về tăng cường công tác xét nghiệm trên địa bàn TPHCM từ nay đến ngày 15.9.

 Ông Phạm Đức Hải thông tin tại họp báo chiều 6.9. Ảnh: Thành Nhân 

Theo đó, để phát hiện triệt để các ca nhiễm trong cộng đồng, thu gọn vùng cam (nguy cơ cao) và vùng đỏ (nguy cơ rất cao), mở rộng và kiểm soát vùng an toàn, phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 15.9, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP giao UBND các quận, huyện và TP.Thủ Đức báo cáo bằng văn bản kết quả xét nghiệm trên địa bàn và đánh giá phân loại lại vùng nguy cơ theo tổ dân phố, tổ nhân dân trước 12h ngày 6.9.

Đồng thời, tiếp tục triển khai xét nghiệm liên tục. Từ nay đến ngày 15.9, tiến hành xét nghiệm vòng 3 theo hộ gia đình tại các vùng đỏ, vùng cam.

Ở những vùng này, thực hiện xét nghiệm bằng test nhanh mẫu gộp (2-3 người/test/hộ gia đình) hoặc xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp theo hộ gia đình (toàn bộ thành viên trong 1 hộ gia đình/1 mẫu gộp), giải gộp mẫu dương tính bằng test nhanh; tần suất lặp lại 2-3 ngày/lần.

Tại các vùng vàng, xanh, cận xanh thì xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp đại diện hộ gia đình, gộp 10 cho vùng xanh, cận xanh và gộp 5 cho vùng vàng. Trong đó, mẫu đại diện vòng 2 phải khác với mẫu đại diện ở vòng 1.

Nếu hộ có từ 5 người trở lên phải lấy 2 mẫu đại diện hộ gia đình. Giải gộp mẫu dương tính bằng test nhanh hoặc RT-PCR mẫu đơn; tần suất lặp lại 5-7 ngày/lần.

Ban chỉ đạo phòng, chống dịch yêu cầu đến ngày 15.9, người dân ở vùng đỏ, vùng cam được xét nghiệm ít nhất 3 lần và các vùng còn lại được xét nghiệm ít nhất 1 lần hoặc mỗi hộ gia đình được xét nghiệm ít nhất 2 lần.

Đồng thời, các địa phương cần chủ động tăng cường nguồn nhân lực lấy mẫu và khuyến khích người dân tự test nhanh.

Ban chỉ đạo cũng giao ngành Y tế phân công nhân sự trực tiếp giám sát tại địa bàn từng quận, huyện, TP.Thủ Đức; thường xuyên nắm bắt tình hình, diễn biến, số liệu, tiến độ thực hiện để báo cáo Sở Y tế và Trung tâm Điều phối xét nghiệm SARS-CoV-2 thành phố có chỉ đạo, điều chỉnh, hỗ trợ kịp thời.

Về y tế trong 24h qua, tính đến 18h ngày 5.9, có 251.933 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TPHCM được Bộ Y tế công bố, bao gồm 251.473 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 460 trường hợp nhập cảnh.

Hiện đang điều trị hơn 42.600 bệnh nhân, trong đó có 3.020 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.780 bệnh nhân nặng đang thở máy và 22 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 5.9 có 2.915 bệnh nhân xuất viện (tổng số xuất viện cộng dồn từ ngày 1.1 đến nay là 128.396 người), 233 trường hợp tử vong trong ngày (tổng số tử vong cộng dồn từ ngày 1.1 đến nay là 10.685 người).

Về kết quả xét nghiệm, từ 18h ngày 4.9 đến 18h ngày 5.9 đã lấy 239.221 mẫu, trong đó có 6.436 mẫu đơn và 11.258 mẫu gộp, số mẫu làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên là 254.957 mẫu.

Về tiêm chủng vaccine, tổng số mũi vaccine đã triển khai tiêm đến ngày 5.9 là hơn 6,5 triệu (tăng gần 109.000 mũi so với ngày 4.9), trong đó tổng mũi 1 là hơn 6 triệu, mũi 2 là gần 499.000, số người được tiêm trên 65 tuổi, người có bệnh nền là hơn 700.000.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn