MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bác sĩ Bệnh viện Thanh Nhàn điều trị cho bệnh nhân mắc thủy đậu. Ảnh: Minh Ngọc

Dịch bệnh truyền nhiễm tại Hà Nội diễn biến phức tạp

Hương Giang LDO | 01/04/2023 10:48

Thời tiết thay đổi thất thường, các dịch bệnh truyền nhiễm đang diễn biến phức tạp. Tại Hà Nội, ngoài bệnh lý về đường hô hấp, các bệnh viện cũng ghi nhận nhiều trẻ mắc các bệnh lý khác như viêm ruột do virus, thủy đậu, tay chân miệng, sốt phát ban…

Gia tăng trẻ nhập viện vì bệnh lý đường hô hấp

Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba (Hà Nội) cho biết, thời gian gần đây bệnh viện ghi nhận số bệnh nhi đến khám và điều trị tại Khoa Nhi của bệnh viện tăng lên rõ rệt. Số trẻ đến khám chủ yếu mắc các bệnh lý về đường hô hấp, tỉ lệ trẻ nhập viện do viêm phế quản phổi và viêm tiểu phế quản tăng rõ rệt.

ThS.BS. Chu Thị Thu Hà - Khoa Nhi, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba cho rằng, nguyên nhân của sự gia tăng tỉ lệ mắc bệnh ở trẻ trong giai đoạn giao mùa là do giai đoạn này có những đợt không khí lạnh xen kẽ những ngày nhiệt độ tăng, hoặc trong một ngày nhiệt độ biến động nhiều.

"Đây chính là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các loại vi khuẩn và virus, các loài côn trùng truyền bệnh, đặc biệt là các bệnh lây qua đường hô hấp và tiêu hóa.

Ở trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ có sức đề kháng yếu và khó thích ứng kịp với sự thay đổi nhanh của môi trường nên rất dễ bị nhiễm bệnh", ThS.BS Chu Thị Thu Hà cho hay. 

Người lớn cũng lây bệnh

Tại Hà Nội, từ đầu năm 2023 cho đến nay, thành phố đã có 634 ca mắc thủy đậu (cùng kì năm 2022 chỉ có 6 ca). Các bệnh viện cũng tiếp nhận nhiều người lớn mắc thủy đậu.

Tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, ghi nhận những chùm ca bệnh thủy đậu sau khi trẻ nhỏ lây bệnh ở lớp học và về lây bệnh sang bố mẹ hoặc người thân trong gia đình.

Bác sĩ Phạm Thị Thảo, Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Khám bệnh (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang) cho biết, trẻ em trong độ tuổi từ 2 - 8 tuổi có nguy cơ mắc cao nhất. Ngoài ra, người lớn vẫn có thể nhiễm bệnh nếu không được tiêm phòng đầy đủ. “Người lớn mắc thủy đậu thì dễ bị bội nhiễm”, bác sĩ Thảo nói.

Người lớn mắc thủy đậu dễ bị bội nhiễm. Ảnh: Minh Ngọc

Thời gian qua, Bệnh viện Thanh Nhàn cũng đã điều trị cho nhiều bệnh nhân người lớn mắc thủy đậu vì lây nhau.

Điều dưỡng trưởng Nguyễn Thị Thủy, Khoa Bệnh nghề nghiệp, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, hằng năm bệnh thủy đậu thường diễn ra vào vụ Đông Xuân (tháng 11), tuy nhiên hiện tại mới đang là đầu năm nhưng đã xuất hiện bệnh thủy đậu, chủ yếu ở người lớn.

Bệnh thủy đậu diễn ra trong đợt này cùng nhóm bệnh nhân đều là người lớn, đó là điều khác thường.

Chuyên gia truyền nhiễm cho hay, rất hiếm trường hợp bị tái mắc bệnh thủy đậu vì sau khi mắc bệnh, cơ thể đã tự tạo miễn dịch với bệnh. Tuy nhiên, virus gây bệnh sẽ đi sâu vào các rễ thần kinh và tồn tại ở đó, khi hệ miễn dịch con người suy yếu, virus sẽ hoạt động trở lại và gây bệnh.

Cùng với thủy đậu, số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội đang tiếp tục gia tăng. Cụ thể, trong tuần qua ghi nhận 17 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 9 trường hợp so với tuần trước). Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2023 cho đến nay, Hà Nội đã có 189 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gần 19 lần so với cùng kì năm 2022).

Bác sĩ Trần Thị Kim Anh, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt Đới (Bệnh viện Đa khoa Hà Đông) cho biết, số ca nhập viện do sốt xuất huyết đang tăng nhanh. Trong đó người lớn chiếm khoảng 60% ca bệnh.

Đáng chú ý, so với các đợt trước, dịch sốt xuất huyết lần này diễn biến phức tạp hơn, số ca chuyển nặng tăng. Đặc biệt nhiều trường hợp không có triệu chứng rõ ràng nên rất dễ bị bỏ qua.

“Một số người bệnh không sốt, chỉ viêm họng nhưng đến khám, kết quả xét nghiệm dương tính sốt xuất huyết. Hoặc, nhiều trẻ nhỏ không sốt cao, không có dấu hiệu điển hình của sốt xuất huyết mà kèm các dấu hiệu rối loạn tiêu hóa, hô hấp nên không chỉ phụ huynh, mà cả phòng khám có khi cũng bỏ qua, chẩn đoán nhầm lẫn. Điều này dẫn đến tình trạng bệnh nhân nhập viện muộn, chuyển nặng, nguy hiểm tới sức khỏe”, bác sĩ Kim Anh nói.

Để phòng bệnh cho trẻ trong thời điểm giao mùa, ThS.BS. Chu Thị Thu Hà đưa ra khuyến cáo, các bậc phụ huynh cần chú ý những điều sau:

Hàng ngày nên vệ sinh mũi họng cho trẻ bằng nước muối sinh lý ấm, vệ sinh răng miệng và vệ sinh thân thể. Hướng dẫn cho trẻ rửa tay bằng xà phòng để giảm sự lây nhiễm vi sinh vật.

Cha mẹ cần dọn dẹp sạch sẽ, giữ cho môi trường trong nhà thông thoáng có đủ ánh sáng để tiêu diệt tác nhân vi sinh vật, vệ sinh đồ chơi và đồ dùng của trẻ.

Nên chú ý trang phục của trẻ phải phù hợp với thời tiết và môi trường.

Đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng và chỗ đông người

Đảm bảo dinh dưỡng, tăng cường rau xanh và hoa quả để cung cấp đủ vitamin cho trẻ.

Cần cho trẻ tiêm vaccine đầy đủ. Ngoài các loại vaccine thông thường, có một số loại vaccine mà các bậc cha mẹ nên bổ sung thêm cho trẻ như vaccine phòng cúm, rubella, thủy đậu…


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn